Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thầy và trò cùng thiếu “lửa”

Thống Nhất| 04/08/2011 05:38

(HNM) - Ngay sau những nghi ngại về tỷ lệ đỗ cao của kỳ thi tốt nghiệp THPT, dư luận lại một lần nữa không khỏi lo lắng trước hàng nghìn điểm 0 của bài thi môn Lịch sử kỳ thi ĐH năm 2011. Cùng thời điểm này, sự tụt hạng của đội tuyển HS Việt Nam tại các kỳ thi Olympíc quốc tế cũng được nhắc đến với nhiều quan ngại…

Nỗi lo "đầu ra"…

Đây không phải là lần đầu tiên kết quả bài thi môn Lịch sử khiến dư luận cảm thấy bất an. Vẫn biết chuyện dạy - học môn Lịch sử trong trường phổ thông từ trước tới nay đã có nhiều vấn đề còn hạn chế, nhưng con số 99% bài thi có điểm dưới trung bình, trong đó chủ yếu là điểm 0 và điểm 1 trong kỳ thi tuyển sinh ở một số trường ĐH năm nay đã thực sự xới lên không ít lo âu.

Đã có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng buồn của môn Lịch sử được đề cập như nội dung chương trình, sách giáo khoa, cách dạy học, quan điểm, nhận thức của phụ huynh, HS với môn học này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những người làm việc trong lĩnh vực lịch sử nói riêng và các ngành khoa học xã hội - nhân văn nói chung thường không có nhiều cơ hội phát triển, mức thu nhập lại thấp nên môn Lịch sử ít lôi cuốn được HS cũng là lẽ đương nhiên. Điều ấy đã thể hiện ngay ở bậc học phổ thông, khi không ít trường để trống ban Khoa học xã hội - Nhân văn; tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi ĐH khối C năm 2011 chỉ ở mức dưới 5%. Và vì không hào hứng học, nên điểm thi các môn khối C, trong đó có lịch sử, ngày càng thấp. Đó chính là thực tế mà các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách phải cùng nhìn nhận lại để tìm cách lấp đầy những "lỗ hổng" trong việc định hướng phát triển môn lịch sử, để việc học lịch sử trở thành niềm say mê thực sự của cả thầy và trò.

Lâu nay, phần lớn HS đều theo đuổi các ngành được cho là hấp dẫn như khoa học công nghệ, tài chính, ngân hàng, kinh tế… bởi sẽ có cơ hội đạt mức thu nhập cao, thăng tiến nhiều. Trong khi ấy, chuyện xin việc làm đối với những HS dù tốt nghiệp loại giỏi ngành khoa học xã hội - nhân văn vất vả hơn nhiều. Điều cấp thiết lúc này là phải lo cho "đầu ra" của HS theo học các ngành khoa học xã hội - nhân văn, cái "gốc" để tạo động lực cho giáo viên, HS tìm đến với lịch sử.

Đội tuyển toán quốc tế của Việt Nam năm 2011. Ảnh: VNN

Thiếu động lực

Sự tụt hạng của các đội tuyển quốc gia môn khoa học tự nhiên tham dự các kỳ Olympíc quốc tế thời gian gần đây cũng có cùng nguyên nhân từ sự thiếu "lửa". Điều ấy thể hiện rõ nhất ở môn toán, khi trước đây Việt Nam luôn đứng ở tốp 10 và được xem là một trong những đội mạnh, thì vài năm gần đây, tương quan giữa thành tích của đội tuyển Việt Nam với các nước đã có nhiều thay đổi. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay (ngoại trừ thành tích cao ở năm 2007 khi Olympíc Toán quốc tế lần thứ 47 được tổ chức tại Việt Nam), thì từ năm 2005, Việt Nam rơi vào tốp 11-15. Thậm chí, năm 2011, thứ hạng của Việt Nam đã rơi xuống hàng thứ 31 trong tổng số 90 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Trong khi đó, từ chỗ có thứ hạng rất xa so với Việt Nam (thứ 29) thì từ năm 2006, Thái Lan đã đuổi kịp và liên tiếp ba năm gần đây đã vượt xa chúng ta (xếp thứ 5). Thổ Nhĩ Kỳ từ thứ 18 (năm 2000) nay đã vượt lên thứ 8.

Theo GS.TSKH Hà Huy Khoái (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), một số thay đổi trong chính sách đối với HS đoạt giải trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia đã làm giảm nhiệt tình của số đông HS trong việc tham gia các kỳ thi HS giỏi, chất lượng đội tuyển quốc gia đi thi quốc tế vì thế có chiều hướng giảm sút. Trước đây, khi có chính sách ưu tiên HS đoạt giải quốc gia vào thẳng ĐH, rất nhiều HS đã hăng hái học tập, ôn luyện để được chọn vào đội tuyển quốc gia và cố gắng để đoạt giải. Nay, chính sách này không còn, ít HS nào muốn vừa dồn sức vào một môn nào đó trong kỳ thi HS giỏi đến vài tháng liền, sau đó lại quay sang ôn tập tới 6 môn của kỳ thi tốt nghiệp. Cách học này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khiến các em không mặn mà. Nhiều phụ huynh hiện nay cũng cố gắng hướng con em mình đến những mục tiêu dễ dàng hơn như học để đạt điểm cao trong các kỳ thi ĐH hoặc nâng cao trình độ, kỹ năng ngoại ngữ để tìm cơ hội du học.

Ngoài ra, việc biên soạn tài liệu bồi dưỡng HS giỏi với chất lượng cao cũng là một công việc khó khăn, mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, với cơ chế, chính sách chưa thật thỏa đáng với công sức của những người làm công tác bồi dưỡng HS giỏi như hiện nay, rất khó tìm được người có khả năng viết được những tài liệu bổ ích và hiệu quả cho HS. Những điều ấy đã khiến cho cả thầy và trò đều thiếu "lửa" nhiệt tình, mất đi không ít động lực để phấn đấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầy và trò cùng thiếu “lửa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.