(HNM) - Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng kỷ niệm 61 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Liên hoan Văn hóa, Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2015 (Liên hoan) diễn ra từ ngày 7 đến 11-10 tại Cung Thể thao tổng hợp Quần Ngựa (Hà Nội) thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Du khách tham quan các gian hàng tại Liên hoan Văn hóa, Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội 2015. Ảnh: Bùi Tuấn |
Nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa
Duy trì số lượng gian hàng như mọi năm, mục đích chính của Liên hoan năm nay là bảo tồn, tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa các nghề truyền thống, giới thiệu nét tinh túy của ẩm thực Hà Nội và các địa phương khác tới du khách. Tại đây, những "bàn tay vàng" của các làng nghề không mấy khi có thời gian ngơi nghỉ.
Trong gian hàng giới thiệu Festival Hoa Đà Lạt, Trần Thị Thanh Huyền vừa giới thiệu cho du khách về cảnh đẹp của Đà Lạt, về những chương trình sẽ diễn ra tại Festival hoa năm nay, vừa miệt mài trang trí hoa khô thành những tác phẩm nghệ thuật. Liên hoan, với cô gái Đà Lạt này là một cơ hội giao lưu hiếm có. "Thật không ngờ là nhân dân Thủ đô và du khách yêu hoa Đà Lạt đến thế. Em mang theo khá nhiều hoa cỏ sấy khô mà sau 3 ngày đã bán hết. Hai ngày cuối tuần, em chỉ còn tranh để giới thiệu thôi", Trần Thị Thanh Huyền cho biết.
Khách đến thăm gian hàng tỉnh Lai Châu được tìm hiểu nếp sống, nếp sinh hoạt văn hóa của đồng bào người Lự ở Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam Đường). Theo lời kể của Vàng Thị Păn và Tào Thị Kẻo, cả Bản Hon chỉ có hơn 100 nếp nhà sàn nhỏ bé nép mình bên sườn núi với vài trăm người Lự sinh sống, trước nhà là những thửa ruộng bậc thang mang vẻ đẹp nguyên sơ. Phụ nữ Bản Hon rất giỏi thêu thùa, dệt vải, giỏi làm việc nhà và thích chơi các trò chơi dân gian trong ngày lễ, tết.
Điểm nhấn đáng chú ý tại Liên hoan là các gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề của Hà Nội. Nhìn vào hàng trăm sản phẩm khảm trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Lăng, Nguyễn Đức Biết… (làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, Phú Xuyên) được giới thiệu tại đây, ai cũng thấy được bàn tay khéo léo của những người thợ khảm trai Chuyên Mỹ cũng như sức sống mãnh liệt của làng nghề. Thấy những bức tranh thêu tuyệt đẹp về phong cảnh Hà Nội trong gian hàng của nghệ nhân Nguyễn Văn Bôn đến từ làng nghề thêu Quất Động (Thường Tín), người ta đủ biết nghệ nhân tài hoa này yêu Hà Nội đến mức nào. Qua những hình ảnh kèm lời thuyết minh về công đoạn làm gốm Bát Tràng, ai cũng hiểu sản phẩm gốm Bát Tràng được kết tinh từ tình yêu nghề của nhiều thế hệ làm gốm.
Mỗi gian hàng mang một nét văn hóa riêng, tạo nên sự hấp dẫn, khác biệt của Liên hoan Văn hóa, Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội năm nay so với những năm trước. Anh Trần Quang Hải (Huỳnh Thúc Kháng - Hà Nội) cho biết: "Làm việc trong ngành Du lịch nên năm nào tôi cũng tới Liên hoan. Phải thừa nhận rằng, Liên hoan năm nay thực sự là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm làm nghề, giữ nghề của các nghệ nhân, các làng nghề, tạo điều kiện cho những người yêu di sản có cơ hội tìm hiểu, khám phá văn hóa làng nghề".
"Đòn bẩy" du lịch
Trong xu thế phát triển, làng nghề truyền thống không đơn thuần là nơi sản xuất, cung cấp sản phẩm tiêu dùng, xuất khẩu như trước đây nữa, mà trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Thủ đô Hà Nội được mệnh danh là đất trăm nghề, trong đó có những làng nghề lâu đời nhất cả nước, tất yếu trở thành điểm đến du lịch làng nghề thú vị. Tiếc rằng, sản phẩm du lịch làng nghề Hà Nội hiện nay mới ở dạng tiềm năng. Ngoại trừ làng lụa Vạn Phúc "bám" được vào du lịch, các làng nghề khác, dù gắn biển "điểm văn hóa du lịch làng nghề" thì lượng khách đến tham quan cũng chưa đáng là bao.
Tại Liên hoan này, Ban tổ chức cho biết, số khách tham quan các gian hàng rồi "nảy sinh" nhu cầu tham quan, tìm hiểu làng nghề lên đến hàng trăm người. Ngay trong những ngày diễn ra sự kiện, một số công ty du lịch đã tổ chức tour cho khách đi thực tế làng nghề ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Lâm Đồng đã tư vấn cho hàng nghìn lượt khách có nhu cầu du lịch Lâm Đồng vào dịp diễn ra Festival Hoa Đà Lạt (từ ngày 29-12-2015 đến 2-1-2016). Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Lai Châu cũng nhận một số "đơn đặt hàng" du lịch cộng đồng (homestay) ở Bản Hon.
Tham gia cả 3 kỳ Liên hoan, ông Thái Văn Hiệp - con trai nghệ nhân thêu Thái Văn Bôn khẳng định, lượng khách mua tranh trực tiếp tại Liên hoan không nhiều, nhưng từ đây, nhiều người đã tìm về Quất Động để tìm hiểu nghề truyền thống rồi đặt hàng.
Thực tế đã chứng minh du lịch và làng nghề có mối quan hệ tương hỗ. Làng nghề tạo điểm đến cho du khách, còn du lịch là một trong những kênh tạo đầu ra cho sản phẩm làng nghề. Với những kết quả đạt được, Liên hoan Văn hóa, Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội đã góp phần tạo đòn bẩy cho du lịch làng nghề phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.