(HNM) - Bộ Y tế đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bên cạnh những địa điểm không được uống bia, rượu quy định trong luật, gồm: Cơ sở y tế; nơi làm việc của cơ quan nhà nước… trong dự thảo nghị định lần này Bộ Y tế đã đề xuất thêm một số địa điểm công cộng như công viên, nhà chờ xe buýt, rạp chiếu phim, nhà hát. Phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến, khẳng định những quy định này sẽ từng bước thay đổi thói quen, tạo môi trường văn minh, thân thiện.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế):
Cần có thời gian để người dân thay đổi thói quen
Là cơ quan được giao trực tiếp soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, sau khi nghiên cứu kỹ tình hình thực tế và tham khảo ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp cũng như dựa trên kinh nghiệm của các nước trong khu vực, Ban soạn thảo dự kiến đưa vào một số địa điểm mở rộng trên tinh thần luật không được uống rượu, bia. Trong đó gồm: Công viên; trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, nhà chờ xe buýt; rạp chiếu phim, nhà hát; sân vận động, nhà thi đấu thể thao. Đề xuất này được dư luận ủng hộ. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có ý kiến cho rằng việc áp dụng quy định không được uống rượu, bia tại trạm dừng nghỉ, sân vận động, nhà thi đấu là chưa phù hợp tại thời điểm hiện nay. Do đó, trước mắt, Ban soạn thảo đề xuất mở rộng việc áp dụng việc không được uống rượu, bia tại các địa điểm công cộng, gồm: Công viên, nhà chờ xe buýt, rạp chiếu phim, nhà hát. Theo tôi, mặc dù quy định đã đưa ra, nhưng để thay đổi hành vi, thói quen của người dân nói chung, người kinh doanh rượu, bia nói riêng cần có thời gian và sự phối hợp của các cấp, ngành từ Trung ương đến cơ sở. Bởi ở Việt Nam, việc uống rượu, bia đã trở thành thói quen của nhiều người, nhiều lứa tuổi.
Ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy):
Cụ thể hóa chế tài xử phạt trong Luật Cán bộ, công chức
Theo tôi, quy định không được uống rượu, bia tại nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội… là đúng đắn và cần thực hiện ngay. Thực tế cho thấy, ở bất cứ cơ quan nhà nước nào, nếu cán bộ, công chức uống rượu, bia trong giờ làm việc, vào buổi trưa, chắc chắn hiệu quả làm việc sẽ không cao. Chưa kể, nếu uống rượu, bia sẽ làm cho hình ảnh, tác phong của cán bộ, công chức trong mắt người dân trở nên xấu xí. Nếu tổ chức uống rượu bia tại trụ sở hành chính thì càng không thể chấp nhận được.
Ở cấp xã, phường, thị trấn, cán bộ, công chức có rất nhiều mối quan hệ, thường xuyên phải tham gia các đám hiếu, hỉ…, nên chúng tôi luôn quán triệt việc không được phép uống rượu, bia vào buổi trưa, đặc biệt trong giờ làm việc. Thiết nghĩ, để quy định được thực hiện nghiêm và đi vào nền nếp, các bộ, ngành cần cụ thể hóa các chế tài xử phạt uống rượu, bia tại cơ quan nhà nước vào quy định của Luật Cán bộ, công chức. Chỉ khi chế tài xử phạt nghiêm minh, cán bộ, công chức mới ý thức được vai trò, vị trí của mình và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
Bà Hoàng Thị Dương Thùy, tổ 19 phường Thượng Thanh (quận Long Biên):
Để công viên, rạp chiếu phim, nhà hát... thực sự là địa chỉ văn hóa
Trên thực tế, tại các điểm công cộng như công viên, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà chờ xe buýt vẫn xảy ra tình trạng người uống rượu, bia. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế quy định không được uống rượu, bia tại các địa điểm này. Ai cũng biết, các điểm công cộng là địa chỉ văn hóa, là nơi mọi người đến để vui chơi, giải trí. Trong một môi trường như vậy, hình ảnh những cá nhân hay tổ chức tập trung ăn uống, nhậu nhẹt thực sự rất phản cảm. Chưa kể, nếu người uống rượu, bia quá chén sẽ có nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Theo đánh giá của một số chuyên gia, hiện ở Việt Nam, gánh nặng bệnh tật, tai nạn, nghèo đói và bạo lực gia đình do nguyên nhân từ uống rượu, bia quá đà đang ở ngưỡng báo động. Nhiều gia đình tan nát, nhiều vụ tai nạn thương tâm, thậm chí án mạng xảy ra chỉ vì uống rượu, bia mất kiểm soát. Mong rằng, khi các quy định trên được triển khai thì các địa điểm công cộng sẽ được sử dụng đúng công năng, tạo môi trường văn minh, thân thiện.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, phường Phương Mai (quận Đống Đa):
Bảo đảm tính khả thi khi thực hiện
Tôi cũng như nhiều người dân Thủ đô rất đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế quy định không được uống rượu, bia ở các địa điểm công cộng. Song cũng không ít người lo ngại khi nhận thấy tính khả thi của quy định này. Bởi, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung hiện có rất nhiều địa điểm công cộng như vườn hoa, nhà chờ xe buýt, rạp chiếu phim, nhà hát đang bị sử dụng sai mục đích để kinh doanh bia, rượu, nước giải khát… Mục tiêu của quy định này là nhằm hạn chế việc sử dụng rượu, bia tại nơi công cộng, bảo đảm an ninh trật tự. Do đó, với thực trạng trên, nếu quy định đi vào cuộc sống, việc quản lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ gặp không ít khó khăn. Thậm chí, chính quyền cơ sở sẽ không đủ lực lượng để xử lý người uống bia, rượu tại địa điểm công cộng. Theo tôi, đơn vị được giao soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cần cân nhắc kỹ các quy định trước khi ban hành nhằm bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.