Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi thói quen sinh hoạt để bảo vệ môi trường

Nguyễn Mai| 15/03/2018 06:10

(HNM) - Để giảm tác nhân gây ô nhiễm môi trường, tác động dẫn tới biến đổi khí hậu, mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen sinh hoạt, sử dụng nhiên liệu thân thiện, không xả rác bừa bãi...

Giới thiệu bếp cải tiến, thân thiện với môi trường thay thế bếp than tổ ong.


Tự gây ô nhiễm

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, biến đổi khí hậu đang ngày một rõ rệt. Nhiệt độ trên địa bàn thành phố tăng hằng năm, mùa đông biến đổi nhiều hơn so với mùa hè; lượng mưa cũng có xu hướng tăng. Trong khoảng 60 năm gần đây, mưa, lũ lụt lớn thường xuyên xuất hiện. Điển hình là trận mưa to bất thường vào cuối tháng 10-2008 đã gây ngập úng trên diện rộng.

Riêng trong năm 2017, vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6 trên địa bàn thành phố đã hứng chịu một đợt nắng nóng kỷ lục so với nhiều năm trước đây. Tiếp đến là ảnh hưởng của cơn bão số 2 (trong tháng 7) và đợt mưa lũ từ ngày 10 đến ngày 12-10 trên địa bàn thành phố đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sản xuất.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu, trong đó có tác động của con người. Hà Nội đang có khoảng 10 khu công nghiệp; 1.300 làng nghề; 5,3 triệu xe gắn máy và 560.000 ô tô; hàng chục nghìn hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong... Đây là những nguồn phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường.

Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Lê Thị Hải, người dân Sóc Sơn và nhiều huyện ngoại thành có thói quen đốt rơm rạ sau thu hoạch. Đây là một trong những tác nhân gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi của các hộ dân chưa được xử lý triệt để, xả thải trực tiếp ra các ao, hồ... đã gây ô nhiễm nguồn nước mặt.

Hay như trên địa bàn thị xã Sơn Tây, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thanh Hà cho biết, dù hầu hết chỉ tiêu chất lượng môi trường vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng một số khu vực lại có các thông số vượt tiêu chuẩn như: Khu vực trang trại chăn nuôi tại xã Cổ Đông, các khu vực có mật độ tập trung dân cư cao nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, điểm cụm công nghiệp… đã, đang tác động tiêu cực đến đời sống người dân.

Chung tay bảo vệ môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, toàn thành phố có khoảng 3.968ha ở khu vực nội thành có nguy cơ tổn thương cao do biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu cũng sẽ tác động xấu đến sức khỏe người dân với các bệnh thường gặp như: Sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản và ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, thành phố đã và đang tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ các điểm nóng về môi trường như: Duy trì 104 hồ điều hòa, phấn đấu đến năm 2019, toàn bộ nước thải của thành phố sẽ được xử lý trước khi xả ra môi trường; đồng thời tập trung xử lý môi trường sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Cùng với đó là tiếp tục đầu tư và vận hành hiệu quả các nhà máy đốt rác phát điện ở Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (Sơn Tây) và Đồng Ké (Chương Mỹ), tăng tỷ lệ xử lý rác theo công nghệ đốt, giảm tỷ lệ chôn lấp; đầu tư lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước tự động...

Cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng, việc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là giải pháp quan trọng. Hầ Nội đang triển khai Đề án vận động người dân không đốt rơm rạ và loại bỏ bếp than tổ ong vào năm 2020; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tham gia giao thông bằng xe đạp, xe buýt... để bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi thói quen sinh hoạt để bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.