Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi mã vùng điện thoại cố định, đầu mã di động: Lỗi từ khâu quy hoạch?

10/01/2015 07:37

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã công bố Thông tư 22 về Quy hoạch kho số viễn thông (có hiệu lực từ ngày 1-3-2015) tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ thực hiện đổi mã vùng điện thoại cố định. Song, vấn đề này cũng đặt ra những phiền phức cho khách hàng.


Nhiêu khê, gây tốn kém

Ở góc độ quản lý nhà nước, việc thay đổi lần này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên kho số, thống nhất theo thông lệ quốc tế… Tuy nhiên, với người sử dụng là khách hàng cá nhân, cơ quan, DN lại có những phiền toái và có thể chịu thiệt hại với chi phí không nhỏ do phải thay đổi lại số điện thoại liên lạc. Cũng là dễ hiểu sau khi thông tin này công bố nhiều khách hàng đã bày tỏ sự lo lắng. Trước hết là khối các DN, nhất là DN kinh doanh dịch vụ, thương mại, ngoài việc phải in ấn, thay đổi lại thông tin liên lạc là số điện thoại cố định trên giấy tờ, danh thiếp của cơ quan, của CBCNV, hệ thống biển hiệu… còn phải thay đổi hệ thống mẫu mã, sản phẩm của DN mình. Đặc biệt là các hãng xe taxi, đại diện các hãng xe taxi đã lên tiếng cho biết các hãng lớn có hàng nghìn xe ước tính chi phí với số tiền lên tới cả tỷ đồng cho việc in lại số điện thoại. Tương tự, khối cơ quan, đơn vị nhà nước cũng phải dành chi phí để in ấn nhằm sửa đổi lại số điện thoại liên lạc. Với các khách hàng cá nhân ngoài việc phải trực tiếp chỉnh sửa lại danh bạ, còn phải ghi nhớ và thay đổi thói quen khi thực hiện thao tác trên di động.

Thay đổi mã vùng điện thoại cố định, đầu mã di động, khách hàng chịu phiền toái. Ảnh: Thanh Hải



Năm 2008, khi thực hiện đổi số điện thoại trên toàn quốc, các nhà quản lý ngành và đại diện các DN đã thực hiện có thể coi là "chiến dịch" tuyên truyền rộng rãi trong thời gian tương đối dài để truyền thông tới khách hàng. Nhưng, ngay sau khi Thông tư 22 được công bố với thời gian có hiệu lực từ ngày 1-3-2015 và việc dư luận hiểu rằng đây là thời điểm áp dụng là có lý!? Và với khoảng thời gian ngắn như vậy, liệu hàng chục triệu khách hàng, chủ yếu là các cơ quan, tổ chức, DN có chuẩn bị kịp? Đương nhiên sự "chuẩn bị" ở đây là việc các DN, cơ quan phải thay đổi, in ấn lại số điện thoại liên hệ phục vụ cho hoạt động của mình. Cũng liên quan thời điểm đổi số năm 2008, khi nói về đổi số, lãnh đạo ngành TT-TT và các DN đều cho biết đợt đổi số này sẽ giúp có thêm tài nguyên kho số để khai thác và phải hàng chục năm sau mới phải đổi số tiếp!? Vậy mà chỉ sau 6 năm, hàng chục triệu khách hàng lại phải chịu từ phiền toái đến thiệt hại về mình khi cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đổi số. Vậy, đây có phải là lỗi từ khâu quy hoạch?
Thanh Hà (Phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm)

Nên gia hạn thời gian áp dụng

Từ nay tới thời điểm ngày 1-3-2015 còn chưa đầy 2 tháng, nếu đồng loạt thay đổi mã vùng điện thoại cố định trên cả nước, theo tôi là quá gấp gáp, điều này sẽ ảnh hưởng đến người sử dụng, đặc biệt là các DN kinh doanh vận tải, nhà hàng, du lịch…

Thực sự khi biết tin này tôi cũng thấy bất ngờ, vì trong một thời gian dài không thấy các cơ quan thông tin đại chúng nói về chủ đề này, lộ trình thực hiện thay đổi mã vùng điện thoại ra sao. Bất ngờ này đã khiến không ít doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn, lúng túng và không biết phải xử lý thế nào để vừa giảm được chi phí, vừa không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh vốn đang gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Song, điều rõ nhận thấy nhất của việc thay đổi mã vùng điện thoại đối với DN là sẽ làm gián đoạn liên lạc với khách hàng vì chưa cập nhật được thay đổi; các loại tài liệu quảng bá, biển hiệu… sẽ phải thay đổi cho đúng số cập nhật nên chi phí bị tăng lên; thay đổi mã vùng sẽ làm cho việc nhớ số điện thoại khó khăn hơn. Thực tế cho thấy, do không biết trước việc sẽ thay đổi mã vùng điện thoại nên không ít DN đã đầu tư kinh phí chi cho việc quảng cáo, in ấn… từ trước đó, nay bất ngờ thay đổi sẽ kéo theo chi phí tăng lên. Tôi cứ lấy ví dụ như chỉ riêng việc các hãng taxi phải sửa lại số điện thoại trên từng xe thì đã hao tốn cho xã hội hàng chục tỷ đồng. Hoặc như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... đã chuẩn bị phục vụ Tết, đã in số điện thoại lên lịch năm mới, thiệp chúc Tết, bao bì sản phẩm hàng Tết..., nay thay đổi lại thì có thể thấy nhiêu khê, rắc rối đến mức nào.

Theo tôi, để hạn chế xuống mức thấp nhất ảnh hưởng không tích cực có thể phát sinh, Bộ Thông tin và Truyền thông nên tính toán hợp lý thời gian áp dụng Thông tư 22; cùng với đó cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch kho số viễn thông và tuyên truyền để đông đảo người dân được biết.

Nguyễn Quốc Huy -(Phường La Khê, quận Hà Đông)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi mã vùng điện thoại cố định, đầu mã di động: Lỗi từ khâu quy hoạch?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.