Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi hay là chết

An Định| 22/05/2022 06:11

(HNMCT) - Dù thực tế hoạt động gặp vô vàn khó khăn nhưng các nghệ sĩ chưa bao giờ mất niềm tin vào tương lai của sân khấu nước nhà. Dịch Covid-19 vừa lắng xuống cũng là lúc các nghệ sĩ tiếp tục tìm hướng đi mới. Tuy nhiên, điều mà sân khấu cần hiện nay có lẽ là một sự định hướng, một tầm nhìn lâu dài chứ không phải giải pháp tình thế.

Vở “Vang bóng một thời” của sân khấu Lệ Ngọc.

Tín hiệu vui “hậu Covid”

Dù mới tái khởi động sau một thời gian dài gần như ngưng hoạt động bởi dịch Covid-19 nhưng sân khấu Thủ đô đã có những tín hiệu đáng mừng. Một số vở diễn mới thu hút sự chú ý của công chúng như vở nhạc kịch “Sóng” của Nhà hát Tuổi trẻ, vở “Antigone” của Lực Team, vở “Vụ án người đốt đền”, “Làm vua”, “Vang bóng một thời” của sân khấu Lệ Ngọc... Đáng mừng nhất không phải là lời khen của giới chuyên môn sau đêm ra mắt, mà đó là các vở diễn có khán giả, những người bỏ tiền mua vé xem kịch - nuôi sống sân khấu. Ở góc độ này, sân khấu Lực Team và Lệ Ngọc nổi lên như hai ví dụ điển hình của sân khấu xã hội hóa.

Nói một cách khiêm tốn nhưng cũng đầy tự tin, NSƯT Trần Lực cho biết, sân khấu Lực Team của anh đã “thu được tiền về”. Không giống các sân khấu bao cấp khác, Lực Team là sân khấu tư nhân và nếu không giải được bài toán doanh thu, chắc chắn họ đã phải “giải tán từ lâu” như cách nói của đạo diễn Trần Lực. Từ “Quẫn”, vở diễn đầu tiên vào năm 2016, đến nay Lực Team đã có thể tự hào với một gia tài kịch phẩm được đánh giá cao như “Cơn ghen của Lọ Lem”, “Nữ ca sĩ hói đầu”, “Antigone”, “Bạch đàn liễu” và một phong cách kịch ước lệ riêng.

Một ví dụ khác cũng rất đáng tự hào, đó là hoạt động sôi nổi của sân khấu kịch tư nhân Lệ Ngọc. Sân khấu này luôn được đánh giá cao bởi sự đầu tư nghiêm túc, thậm chí là “chơi lớn” trong việc huy động các nghệ sĩ tên tuổi tập hợp để dựng vở. Dù nhiều nhà hát đóng cửa trong thời gian nghỉ do dịch nhưng sân khấu Lệ Ngọc vẫn khởi công làm vở mới và khi dịch vừa tạm lắng, họ đã có hàng chục buổi biểu diễn cả ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hiếu đánh giá: “Đơn vị sân khấu tư nhân Lệ Ngọc đang là hiện tượng của sân khấu không chỉ của Hà Nội mà cả làng sân khấu Việt Nam. Nhất là đợt biểu diễn 11 ngày tại thành phố Hồ Chí Minh với 22 suất diễn trong tháng 3 vừa qua, giới thiệu 4 vở diễn có phong cách hoàn toàn khác nhau, tạo dư chấn lớn. Trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, việc một lượng lớn khán giả tới xem 22 suất diễn tại Nhà hát Lớn thành phố Hồ Chí Minh là minh chứng cho sức hấp dẫn của sân khấu theo trường phái Hà Nội”.

Để sân khấu Hà Nội được coi và làm như một sản phẩm công nghiệp văn hóa thì điều cần đầu tiên và quan trọng nhất là tôn trọng chất văn hóa trong sân khấu. Cần những người tâm huyết và am hiểu sân khấu để chỉ đạo, quản lý và làm sân khấu.

Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Hiếu

Đòi hỏi tất yếu của thời đại

Cuối năm 2021, trong lễ kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đã cảm thán: “Kể từ đầu thế kỷ XXI đến năm 2021, năm đầu thập niên thứ ba, khán giả xem kịch đã thưa vắng đến mức đáng coi là “bi kịch trắng khán giả”. Sân khấu nhà nước, sân khấu tư nhân, sân khấu lớn, sân khấu nhỏ, sân khấu xã hội hóa, các hội diễn kịch toàn quốc, kịch địa phương của Thủ đô Hà Nội, của thành phố Hồ Chí Minh... tất cả đều không tìm được người xem đã mất. Những người xem của thời sân khấu lớn hoàng kim, sân khấu nhỏ hoàng kim và những hội diễn kịch hoàng kim của thế kỷ trước, người xem tấp nập phủ kín khán phòng, không một ghế trống... đã chỉ còn là hồi ức và kỷ niệm. Ấy là chưa kể các vở diễn thuộc loại hình sân khấu dân tộc tuồng, chèo, cải lương, rối nước... cũng bị cuộc khủng hoảng khán giả nhấn chìm. Các nhà hát, rạp hát, các điểm diễn sân khấu ở các thành phố lớn Việt Nam đều bị đứt mạch kịch trường hằng đêm”.

Chính vì vậy, các đơn vị, nghệ sĩ không còn cách nào khác là phải thay đổi, luôn vận động tìm cái mới nếu không muốn dừng hoạt động. Từng là một đơn vị xã hội hóa rất thành công nhưng giờ đây, sân khấu kịch Phú Nhuận ở thành phố Hồ Chí Minh đứng trước vô vàn khó khăn, thu không đủ bù chi. Đầu tháng 5 vừa qua, NSND Hồng Vân đã có buổi gặp gỡ với báo chí để chia sẻ về tình hình khó khăn của sân khấu kịch Phú Nhuận. Đứng trước những vấn đề lớn như khán giả thưa vắng dần, tiền thuê rạp tăng, bà bầu này cho rằng không còn cách nào khác là thay đổi, bắt kịp xu thế để tồn tại. NSND Hồng Vân cho biết tạm khép lại các vở diễn cũ vì tuổi thọ của nó đã quá lâu và khán giả đã xem hết. Thay vào đó, nữ nghệ sĩ thực hiện một số vở mới đồng thời thay đổi cách thức biểu diễn, “nơi đâu có khán giả thì mình về đó diễn”.

Như vậy, những mô hình sân khấu từng được coi là hy vọng lớn để giải quyết cuộc khủng hoảng khán giả như mô hình sân khấu nhỏ, từng rất thành công ở miền Nam, đến nay nhìn lại cũng chỉ là “giải pháp tình thế”. Tín hiệu vui từ một vài sân khấu tư nhân ở Hà Nội ở thời điểm hiện tại cũng chưa phải là lời giải chung cho “cuộc khủng hoảng trắng khán giả” của sân khấu trong nhiều năm qua. Sân khấu đòi hỏi những giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn để có thể phát triển một cách bền vững.  

Vở Quẫn của sân khấu Lực Team.

Xác định tâm thế mới

NSƯT Nguyễn Văn Trực đánh giá: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều quốc gia đã phát triển nhanh hơn, thành công hơn dựa trên phát huy lợi thế đặc sắc về văn hóa của đất nước và xác định văn hóa là yếu tố cốt lõi, là động lực cho sự phát triển. Quan điểm và hành động hướng tới các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của thế giới, góp phần xây dựng các thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Trong thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của cả trong nước và quốc tế”.

Riêng với lĩnh vực sân khấu, những khó khăn trong hoạt động hiện tại khiến nhiều người cảm thấy hoài nghi, liệu sân khấu có thể trở thành một ngành quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa? Nhưng rõ ràng, khi công nghiệp văn hóa đã trở thành một xu hướng quốc tế, việc phát triển sân khấu theo con đường này là đòi hỏi tất yếu của thời đại. Tác giả Hoàng Thanh Du có lý khi cho rằng: “Nền công nghiệp văn hóa trên thế giới đã phát triển đến chóng mặt, đang biến những điều không tưởng của hôm qua thành hiện thực. Nhưng, có một thực tại buồn là ngành văn hóa nghệ thuật của chúng ta nói chung và Hà Nội nói riêng đã lỡ chuyến tàu đầu tiên vì chúng ta chậm thích nghi... Nếu không hành động ngay, cứ suy nghĩ đắn đo thêm nữa, chúng ta sẽ lại lỡ chuyến tàu mang tên công nghiệp văn hóa”.

Để đưa loại hình nghệ thuật sân khấu trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, cần hội tụ và kết nối đầy đủ 4 thành tố là: Vốn đầu tư, tài năng sáng tạo, công nghệ và kỹ năng kinh doanh. Điều này có nghĩa là, phải có nguồn kinh phí phù hợp để chi trả cho việc sáng tạo, sản xuất, phân phối, lưu thông sản phẩm nghệ thuật biểu diễn; đội ngũ sáng tạo phải có tài năng, kinh nghiệm, danh tiếng để thu hút công chúng, phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp với nhau và với nhà sản xuất; sử dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hình thức phân phối, lưu thông và hấp dẫn công chúng; phải có kỹ năng kinh doanh để nắm bắt được nhu cầu của thị trường, am hiểu quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu cho tác phẩm, đạo diễn, diễn viên, tổ chức sự kiện, phát triển khán giả. Đó là sự kết hợp cần thiết để một tác phẩm nghệ thuật sân khấu được sản xuất và đem ra thị trường, trở thành một sản phẩm của công nghiệp văn hóa.

Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi hay là chết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.