(HNM) - Từ tháng 3 này, có một số chính sách mới được áp dụng, trong đó đáng chú ý là kéo dài thời hạn bảo hiểm xe máy bắt buộc tối đa 3 năm; thay đổi cách xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở công lập.
Kéo dài thời hạn bảo hiểm xe máy bắt buộc tối đa 3 năm
Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có hiệu lực từ ngày 1-3-2021.
Theo Khoản 1, Điều 9 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, thời hạn ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm như sau:
- Thời hạn bảo hiểm tối thiểu 1 năm, tối đa 3 năm: Xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự.
- Thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm: Với các xe cơ giới còn lại.
Thay đổi cách xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở công lập
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập tại Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới ban hành.
Từ 20-3-2021 - ngày các thông tư trên có hiệu lực, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới tương ứng như sau:
- Giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động 1,86 - 4,98).
- Giáo viên tiểu học áp dụng hệ số lương dao động 2,34 - 6,78 (hiện nay hệ số lương của đối tượng này đang dao động 1,86 - 4,98).
- Giáo viên trung học cơ sở áp dụng hệ số lương dao động 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương 2,1 - 6,38).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.