Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi cách quảng bá - Chưa đủ!

Lâm Vũ| 17/05/2015 07:43

(HNM) - Ngày 15-5, Tổng cục Du lịch đã công bố kết quả điều tra về khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2014. Kết quả cho thấy, du lịch Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần đặt ra như: Nâng cao chất lượng điểm đến, thay đổi cách quảng bá hình ảnh


Tổng cục Du lịch đã tiến hành cuộc điều tra trên quy mô lớn về lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2014 (cả người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch) với 13.890 phiếu hỏi được thực hiện thông qua hình thức phỏng vấn trực tiếp. Cuộc điều tra được tiến hành theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên từ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam sau khi kết thúc chuyến đi tại 7 cửa khẩu quốc tế, đồng thời gửi phiếu khảo sát tới 1.000 công ty lữ hành quốc tế và 63 Sở VH, TT&DL trên toàn quốc. Thời gian điều tra được tiến hành vào tháng 10 và tháng 11 năm 2014 - mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam.




Kết quả cụ thể cho thấy, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2014 là 7.874.312 lượt, số khách nghỉ qua đêm: 7.487.683 lượt, số khách tham quan trong ngày: 386.629 lượt. Số ngày lưu trú bình quân của một lượt khách có nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch là 9,73 ngày. Mức chi tiêu bình quân của một lượt khách có nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch: 1.114,4 USD, chi tiêu bình quân của một lượt khách tham quan trong ngày: 125,74 USD. Tổng chi tiêu của khách quốc tế năm 2014 khoảng 8,39 tỷ USD. Tỷ lệ khách đến Việt Nam lần đầu năm 2014 chiếm 67,2%, đến lần 2 chiếm 18,10%, đến lần 3 chiếm 5,77%, số khách đến Việt Nam hơn 3 lần chiếm tỷ lệ 9,11%. Như vậy, tỷ lệ khách quốc tế đã quay trở lại Việt Nam du lịch (lần 2 trở lên) là 32,98%. Đánh giá chung của khách về mức độ hài lòng đối với chuyến du lịch tại Việt Nam: 28,07% cho rằng "rất tốt" , 66,02% cho rằng "tốt", mức "trung bình" là 5,69%, "kém và rất kém" có 0,22%.

Đánh giá về kết quả nghiên cứu, ông Trần Trí Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin - Tổng cục Du lịch, đơn vị trực tiếp thực hiện điều tra cho rằng: Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2014 tuy tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Tuy nhiên, xét về mặt số liệu thì lượng khách tăng đều qua các năm gần đây là tín hiệu khả quan. Riêng lượng khách Trung Quốc giảm nhưng hy vọng từ giờ đến cuối năm sẽ tăng trở lại. Điều đáng mừng là số lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam khá cao - 32,98%, khả quan hơn so với số liệu tại một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, mức chi tiêu còn hạn chế của khách quốc tế tại Việt Nam cho thấy nhiều điều. "Nguyên nhân chủ yếu là hàng hóa cao cấp của chúng ta chưa có nhiều nên khách du lịch mua sắm ít. Du lịch Việt Nam chủ yếu vẫn khai thác các dịch vụ tham quan mà thôi", ông Trần Trí Dũng cho biết.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, số liệu khách du lịch quốc tế trong 4 tháng đầu năm 2015 vào khoảng 2,7 triệu, giảm 12,2% so với năm 2014, trong đó, lượng khách đến từ Nga và Trung Quốc giảm mạnh nhất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, từ tháng 6 trở đi, tốc độ giảm sẽ bớt đi và đến quý III thì tình hình có thể tăng trưởng dương trở lại.

Thu hút du khách bằng cách nào?

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, thị trường khách quốc tế giảm chủ yếu ở một số thị trường truyền thống và Tổng cục Du lịch sẽ có giải pháp cho vấn đề này. Điều quan trọng là tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng quảng bá để khách du lịch yên tâm khi chọn Việt Nam là điểm đến. Đối với thị trường khách Nga, Tổng cục sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tại các chương trình xúc tiến quốc gia có sự tham gia của doanh nghiệp lữ hành Nga, ví dụ như hội chợ, roadshow...

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours, thời gian tới, chúng ta phải nâng cao chất lượng dịch vụ tại điểm đến, làm mới và tạo ra sản phẩm du lịch mới để thu hút khách đến và khuyến khích họ quay trở lại. Đó là giải pháp cần được ưu tiên bởi hiện nay chúng ta chủ yếu khai thác sản phẩm truyền thống, sẵn có; hệ thống tour vẫn tập trung vào Hạ Long, Ninh Bình, Sa Pa... ở miền Bắc; Nha Trang, Phú Quốc... ở miền Nam. Cũng theo ông Nguyễn Công Hoan, một biện pháp nữa cần được thực hiện để thu hút khách là kích cầu, xây dựng chương trình xúc tiến quốc gia; nghiên cứu chính sách miễn visa, giảm giá, tặng voucher mua sắm cho khách... Cùng quan điểm trên, Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng cho rằng chính sách về visa của chúng ta cần thông thoáng hơn nữa. Hiện Việt Nam mới miễn visa cho 17 nước trong khi Singapore có chính sách miễn visa cho khách du lịch thuộc 170 nước, Thái Lan là hơn 60 nước.

Ngoài ra, công tác quảng bá du lịch cũng cần có sự thay đổi. Ngày 13-5, kênh truyền hình ABC của Mỹ đã làm một chương trình ấn tượng về quảng bá du lịch Việt Nam, gây hiệu ứng mạnh mẽ. Trong khi đó, chúng ta chưa làm được những chương trình quảng bá quy mô lớn, có tính chuyên nghiệp cao. Việt Nam có rất nhiều festival, lễ hội du lịch nhưng hiệu quả quảng bá hình ảnh điểm đến khá hạn chế. Kết quả là, theo ông Phạm Thế Phong, Giám đốc Trung tâm Vietnam Explore Holiday Vietrantour thì cho đến nay, nhiều người nước ngoài vẫn nghĩ Việt Nam là đất nước lạc hậu vừa bước qua chiến tranh, "rừng thiêng nước độc...".

Theo các chuyên gia du lịch, để gia tăng hiệu quả quảng bá, xúc tiến thì cần nhanh chóng nâng cao chất lượng điểm đến, đồng thời đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam bằng cách mở các văn phòng du lịch ở một số thị trường lớn với tính chất hoạt động tương tự như của các cơ quan xúc tiến du lịch của Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc... Về cơ bản, muốn nâng cao sức hút đối với khách du lịch quốc tế thì cần phải có hệ giải pháp tổng hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng quảng bá hình ảnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi cách quảng bá - Chưa đủ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.