Lực lượng tình báo Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải xem lại mạng lưới thông tin của họ vì đã không biết về sự ra đi của Chủ tịch Kim Jong-il. Họ chỉ biết sau khi truyền thông Triều Tiên chính thức công bố.
Ông Kim Jong-il, nhà lãnh đạo đầy bí ẩn của Triều Tiên, qua đời lúc 8h30 sáng thứ bảy tuần trước trên một chuyến tàu trong nước. 48 tiếng sau khi ông mất, các quan chức Hàn Quốc vẫn không biết chút gì và Washington cũng vậy. Chỉ đến khi phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố thông tin, Bộ ngoại giao Mỹ cũng chỉ có thể xác nhận thông tin mà báo chí đưa về sự ra đi của ông Kim.
Chủ tịch Kim Jong-il. Ảnh: AFP |
Cơ quan tình báo của Mỹ và Hàn Quốc đã thất bại trong việc nắm bắt các manh mối về sự kiện quan trọng với tương lai bán đảo Triều Tiên này. Điều này minh chứng cho khả năng giữ bí mật của Triều Tiên, hoàn toàn khóa được sự thăm dò của gián điệp nước ngoài.
Trước đó các cơ quan tình báo nước ngoài cũng thất bại trong việc nắm bắt những diễn biến liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã bí mật xây dựng một kế hoạch làm giàu uranium trong khoảng một năm rưỡi mà không bị phát hiện cho đến tận khi các quan chức Triều Tiên công bố chương trình vào cuối năm 2010.
Sự khép kín của Triều Tiên sẽ làm phức tạp thêm sự tính toán của Mỹ và các đồng minh. “Chúng tôi có những kế hoạch cụ thể về việc chúng tôi sẽ làm gì nếu Triều Tiên tấn công, nhưng chúng tôi không có kế hoạch khác trong trường hợp nước này có diễn biến khác,” Michael J. Green, một cựu cố vấn về châu Á dưới chính quyền cựu Tổng thống Goerge Bush nói.
“Mỗi khi bạn thực hiện những kịch bản này, điều đầu tiên là cố gắng tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra ở bên trong đất nước Triều Tiên”, ông Green nói thêm. Ở nhiều quốc gia, điều này được thực hiện nhờ nghe trộm các cuộc gọi qua điện thoại giữa các quan chức chính phủ hoặc là quan sát từ vệ tinh do thám". Chắc chắn các máy bay do thám và vệ tinh của Mỹ dò xét Triều Tiên và các ăng-ten có độ nhạy cao đặt dọc biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc thu nhận các tín hiệu điện tử.
Tuy nhiên, rất ít thông tin cho biết về những công việc bên trong của chính phủ Triều Tiên. Các quan chức Hàn Quốc nói Bình Nhưỡng giữ thông tin bí mật trong số rất nhỏ các quan chức, những người không bao giờ tiết lộ. “Đây là một xã hội tồn tại dựa vào chính sự bí ẩn của nó,” Christopher R. Hill, một cựu đặc phái viên đàm phán với Triều Tiên về chương trình hạt nhân, nói.
Hôm thứ hai, chính quyền Obama đã tổ chức tham vấn khẩn cấp với các đồng minh nhưng có rất ít thông tin về cái chết của ông Kim được công khai sau cuộc họp này. Các quan chức cấp cao thừa nhận rằng vai trò của họ không hơn gì nhiều so với các khán giả theo dõi một vở kịch diễn ra ở Triều Tiên với hy vọng rằng điều đó không dẫn đến những hành động tấn công Hàn Quốc.
Trong số các tình huống mà các quan chức Mỹ dự báo về tình hình Triều Tiên, không một tình huống nào dễ dàng cả. Một số quan chức hiện tại cũng như trước đây cho rằng Kim Jong-un còn quá trẻ và chưa được trải nghiệm để có thể tự tin xỏ vào đôi giày của cha mình. Một số phỏng đoán rằng ông Kim trẻ tuổi này có thể lên nắm quyền theo kiểu tượng trưng, còn quyền lực thực sự sẽ do các quan chức quân đội nắm giữ, chẳng hạn như Jang Song-teak, 65 tuổi, người thân tín và cũng là anh rể của Kim Jong-il.
Song, kể cả cách sắp xếp như thế cũng khó có thể làm giảm bớt sự nghèo khổ của người dân Triều Tiên hoặc xóa đi tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
“Một kịch bản là họ tiến hành việc chuyển giao quyền lực một cách nhẹ nhàng, người dân thì vẫn nghèo đói và họ vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân”, Jeffrey A. Bader, một cựu cố vấn về châu Á cho tổng thống Obama nói. “Nếu cuộc chuyển giao không êm đẹp, khi mà không ai thật sự nắm trách nhiệm, đồng thời việc kiểm soát chương trình hạt nhân trở nên mờ mịt hơn, sẽ là điều tệ hơn.”
So với những thất bại nối tiếp nhau, việc Cục tình báo trung ương Mỹ không nắm được các thông tin về cái chết của ông Kim Jong-il không có gì đáng kể. Nhưng theo một cựu quan chức tình báo Mỹ, giấu tên, nhận định: “Hậu quả lớn nhất của thất bại trong việc thu thập các thông tin tình báo là việc chúng ta không cài cắm được ai vào trong đội ngũ lãnh đạo hiện thời. Có những người Triều Tiên đến xin tị nạn. Nhưng những thông tin họ cung cấp thường là cũ. Chúng ta cũng có những người thuộc tầng lớp trung lưu. Nhưng họ hầu như không biết điều gì đang diễn ra trong chính phủ”.
Thất bại lớn nhất về tình báo của Mỹ, cho đến nay, xảy ra vào giữa thời kỳ chiến tranh Iraq. Triều Tiên lúc đó đang xây dựng một lò phản ứng hạt nhân ở Syria, dựa trên thiết kế lò phản ứng hạt nhân của chính nước này ở Yongbyon. Các quan chức Triều Tiên đi công cán thường xuyên đến khu vực xây dựng này.
Tuy vậy Mỹ hoàn toàn mù thông tin về việc này cho đến khi Meir Dagan, lúc đó là giám đốc Mossad, cục tình báo Israel, thăm cố vấn an ninh của tổng thống George W. Bush, và ném lên bàn trà của ông này một xấp ảnh chụp lò phản ứng này. Lò phản ứng sau đó bị phá hủy hoàn toàn sau một trận không kích của Israel năm 2007.
Mặc dù từ rất lâu rồi CIA đã nghi ngờ Triều Tiên chế tạo bom nguyên tử theo một cách khác nữa - làm giàu uranium - cơ quan này hoàn toàn không tìm được các cơ sở hạt nhân. Tuy nhiên, năm ngoái, một nhà khoa học từ trường đại học Stanford đã được phép thăm cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, nằm giữa khu phức hợp Yongbyon, nơi mà vệ tinh do thám của Mỹ dò xét thường xuyên. Hiện vẫn chưa biết được tại sao vệ tinh lại không thể phát hiện ra một công trình xây dựng lớn như vậy tại khu phức hợp này.
Thất bại trong việc nắm các thông tin về bệnh tật của ông Kim còn khiến cho người Hàn Quốc khó chịu hơn nữa. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách biên giới Bắc Triều 35 dặm (56 km), và quân đội nước này thường xuyên ở trong tình trạng báo động trước những tấn công bất ngờ.
Trong khoảng thời gian 51 tiếng kể từ lúc ông Kim chết, cho đến khi Triều Tiên chính thức công bố, các quan chức Hàn Quốc dường như không phát hiện được bất cứ điều gì bất thường.
Trong khoảng thời gian đó, tổng thống Lee Myung-bak viếng thăm Tokyo, gặp gỡ với thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda, sau đó trở về nhà và đón lễ sinh nhật thứ 70 của mình.
Thậm chí đến 10 giờ sáng thứ hai, khi truyền thông Bắc Triều đưa tin sẽ có thông cáo đặc biệt vào buổi trưa hôm đó, các quan chức Hàn Quốc vẫn chỉ nhún vai khi được hỏi có chuyện gì sắp xảy ra. Lần trước đó Bình Nhưỡng cũng đã thông báo trước rằng sẽ có một thông cáo đặc biệt là năm 1994, khi họ đưa tin về cái chết do bệnh tim của ông Kim Il-sung, cha của ông Kim Jong-il. Hàn Quốc cũng hoàn toàn không nắm được thông tin gì về cái chết của ông này trong vòng 22 giờ kể từ khi ông qua đời đến lúc thông tin về sự việc được truyền thông Triều Tiên loan tải.
“Trời ơi,” là những từ đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của tôi khi tôi nhận thấy phát thanh viên của Triều Tiên trong trang phục đen và vẻ bề ngoài đau buồn,” một quan chức chính phủ Hàn Quốc, người theo dõi thông cáo của truyền thông Triều Tiên nói.
“Sự việc cho thấy một lỗ hổng lớn trong mạng lưới tình báo của chúng ta đối với việc thu thập thông tin về Triều Tiên,” ông Kwon Seon-taek, một nhà lập pháp thuộc đảng đối lập của Hàn Quốc, nói với phóng viên.
Kwon Young-se, một đại diện của đảng cầm quyền trong Quốc hội Hàn Quốc, đồng thời cũng là giám đốc Ủy ban tình báo của Quốc hội, cơ quan tình báo chính của nước này, chỉ nói: “Chúng tôi sẽ kiểm điểm những người có trách nhiệm”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.