(HNM) - Trong ngày 4 và 5-6, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã tổ chức cuộc họp thượng đỉnh tại thủ đô Brussels (Bỉ) thay vì Sochi (Nga) như dự kiến ban đầu.
Hội nghị này chính thức đánh dấu sự vắng mặt của Mátxcơva sau khi các cường quốc phương Tây quyết định khai trừ Nga khỏi G8 để phản đối việc chính quyền Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga và bị coi là tác nhân gây ra tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine.
Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị Thượng đỉnh G7. |
Đúng như các nhà phân tích đã nhận định, tình hình Ukraine và quan hệ với Nga vẫn là chủ đề chiếm phần lớn thời lượng của hội nghị. Với những gì đã và đang diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, cuộc "đấu trí" trên bàn cờ địa - chính trị bên bờ Biển Đen khó có thể hạ nhiệt khi tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 khẳng định tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng Ukraine tập trung vào ba hướng chính: Ủng hộ Kiev, tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng thông qua đàm phán với Nga và cuối cùng là khả năng tăng cường trừng phạt Nga nếu tình hình Ukraine diễn biến xấu đi. Theo kế hoạch được Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) Herman Van Rompuy thông báo, EU dự kiến sẽ ký thỏa thuận thương mại trong Hiệp định liên kết với Ukraine chậm nhất vào ngày 27-6, đồng thời nhấn mạnh G7 và EU sẽ hỗ trợ Ukraine nhằm ổn định tài chính, kinh tế và chính trị tại quốc gia này.
Hiện tại, Nga vẫn chưa đưa ra động thái tiếp theo trong ván bài tìm kiếm sự mở rộng ảnh hưởng tại quốc gia láng giềng, song, theo nhiều nhà bình luận quốc tế, Mátxcơva khó lòng ngồi yên khi các quốc gia phương Tây đưa đường biên giới tới sát xứ sở Bạch dương. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, Ukraine vẫn còn những lợi ích kinh tế gắn bó chặt chẽ với Nga. Một khi nút thắt phụ thuộc về kinh tế, chính trị sâu sắc của Ukraine vào Nga chưa được tháo gỡ, đồng nghĩa với việc bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây nhằm làm giảm ảnh hưởng của Mátxcơva với Kiev đều sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Hiện tại, Ukraine đang phụ thuộc 60% vào khí đốt của Nga và 15% nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho EU đi qua đường ống trung chuyển qua Ukraine. Do đó, "cuộc chiến" trong lĩnh vực này sẽ quyết định liệu Ukraine có thể đi bao xa với phương Tây và nước này sẽ ở trong quỹ đạo của Nga như thế nào.
Chính vì vậy, trọng tâm thứ hai mà các nhà lãnh đạo G7 tập trung bàn thảo tại hội nghị lần này chính là an ninh năng lượng. Đây là bài toán khó cho Châu Âu trong việc xử lý mối quan hệ với Nga - quốc gia cung cấp tới 2/3 lượng dầu khí cho Cựu lục địa trong thời gian vừa qua. Dù các nhà lãnh đạo Châu Âu đã cam kết sẽ dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga nhưng để làm được việc này sẽ mất nhiều thời gian và rất tốn kém. Do đó, một số nước Châu Âu vẫn còn do dự trước những biện pháp tăng cường trừng phạt kinh tế và thương mại cứng rắn hơn với Mátxcơva. Đây là lý do các biện pháp trừng phạt trong thời gian qua mới chỉ dừng lại ở mức cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản.
Lo ngại lớn nhất hiện nay là cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ hủy hoại nghiêm trọng các mối quan hệ của Mátxcơva với Washington và Brussels, đồng thời góp phần giảm khả năng hợp tác chính sách trong các vấn đề lớn của nền chính trị toàn cầu. Hiện tại, dư luận đang kỳ vọng vào kết quả cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với một số nhà lãnh đạo hàng đầu của EU là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande nhân dịp người đứng đầu nước Nga sang Pháp ngày 6-6 để kỷ niệm ngày các nước Đồng minh mở màn chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandy năm 1944. Chắc chắn cuộc gặp sẽ không ngay lập tức đưa ra được những giải pháp giải tỏa tình trạng bế tắc tại Ukraine hiện nay, nhưng đây sẽ là cơ hội tiếp xúc để có thể đưa ra những bước đi mang lại lợi ích cho cả hai phía.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.