Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấp thỏm lo cho đàn gia súc

Đào Huyền| 29/12/2010 07:21

(HNM) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn trung ương, mùa đông năm nay sẽ có 4 - 5 đợt rét đậm, rét hại. Đặc biệt, nhiều nơi nhiệt độ có thể xuống thấp dưới 0 độ C. Ngành chăn nuôi lo ngại, mùa đông 2008, chỉ trong hơn một tháng nhiệt độ xuống thấp, đã có hàng trăm ngàn con trâu bò bị chết đói và chết rét. Liệu mùa đông năm nay có lặp lại như trước?


Nguy cơ trâu bò chết rét hàng loạt


Che chắn, chuẩn bị thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong mùa đông.


Mới bước vào mùa đông năm nay, khu vực miền núi phía bắc đã hứng chịu hai đợt mưa rét vào đầu và cuối tháng 12. Một vài địa phương đã có trâu, bò chết rét và chết bệnh, tuy số lượng không nhiều nhưng không thể chủ quan. Theo dự báo, cuối tháng 12, miền Bắc sẽ phải đối diện với đợt rét đậm tăng cường, kéo dài đến hết tháng. Đầu năm 2011, sẽ có 3 đợt rét, 2 đợt rét đậm vào tháng 1 và một đợt vào tháng 2. Với nền nhiệt độ xuống thấp, nhiều vùng tại Lào Cai, Lạng Sơn… nhiệt độ sẽ xuống sâu dưới 0 độ C, xuất hiện băng tuyết, sương muối. Thời tiết khắc nghiệt sẽ làm cho cỏ chết do sương muối, mưa rét kéo dài, thức ăn khan hiếm. Đồng thời, bệnh tật bùng phát như hiện nay sẽ là nguy cơ khiến số lượng gia súc chết ngày một tăng.

Cục Thú y cảnh báo, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có nguy cơ lây lan rộng trong dịp Tết. Đặc biệt, gia súc yếu, bị bệnh khó có thể qua khỏi những đợt rét đậm. Hiện cả nước còn 13 tỉnh có dịch lở mồm long móng (LMLM) chưa qua 21 ngày. Tại khu vực miền núi phía bắc, số lượng trâu bò bị nhiễm dịch lên tới cả ngàn con. Tại Yên Bái, dịch LMLM đang hoành hành ở huyện vùng cao Mù Cang Chải với gần 500 con gia súc mắc bệnh, tập trung ở 5 xã trong huyện. Tương tự, dịch bệnh cũng diễn ra khá phức tạp tại Lai Châu. Theo Chi cục Thú y Lai Châu, dịch LMLM đã xuất hiện ở 5 huyện trong tỉnh với hơn 300 con trâu, bò bị nhiễm bệnh. Đây là đối tượng có nguy cơ chết nhiều trong những đợt rét.

Đáng lưu ý, sau những thiệt hại lớn ở mùa đông năm 2008, nhiều địa phương đã chủ động đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng mô hình làm cây rơm, thức ăn dự trữ cho trâu, bò mùa đông, che bạt chuồng trại. Tuy nhiên, mùa đông năm sau lại ấm áp, số trâu, bò chết rét giảm, nhiều hộ chủ quan, không còn đánh cây rơm làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò. Bên cạnh đó là việc chính quyền địa phương nhiều nơi còn lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh và chống rét cho gia súc. Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu thời tiết có những diễn biến bất thường như dự báo thì nguy cơ trâu, bò chết rét hàng loạt sẽ tái diễn.

Chủ động ứng phó

Để chủ động đối phó với rét đậm, rét hại có khả năng xảy ra tại các tỉnh trung du, miền núi phía bắc, Bộ NN&PTNT đã có Chỉ thị số 3589/CT-BNN-CN yêu cầu UBND các tỉnh nhanh chóng xây dựng kế hoạch phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc trong vụ đông xuân năm 2010-2011; chủ động hướng dẫn nông dân củng cố chuồng trại, dự trữ thức ăn khô như rơm, rạ, cỏ khô... Các địa phương phải theo dõi sát sao tình hình diễn biến thời tiết. Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C cần hướng dẫn, có biện pháp cứng rắn, quyết liệt, không để nông dân đưa trâu, bò làm việc và đốt lửa sưởi ấm cho trâu, bò nếu thời tiết có nhiều sương muối. Ngành chăn nuôi cũng khuyến cáo, các hộ phải có tối thiểu 1 cây rơm rạ bảo đảm bình quân từ 5-7kg/con/ngày. Nếu địa phương nào xuất hiện tình trạng gia súc chết vì rét phải báo cáo Bộ NN&PTNT để kịp thời hỗ trợ khắc phục, tránh để thiệt hại quá lớn xảy ra như năm 2008.

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hiện vẫn chưa có thiệt hại gì về đàn vật nuôi trong đợt rét đậm vừa qua. Ba tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang bị ảnh hưởng lớn nhất với nền nhiệt độ xuống thấp, một số nơi giảm còn 5-10 độ C, có nơi xuống dưới 0 độ C. Theo lãnh đạo ba tỉnh trên, do người dân chuẩn bị tốt, thấy rét đậm, bà con đã nhốt trâu, bò, che chuồng trại nên chưa có thiệt hại gì đáng kể về gia súc. Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi cho rằng, đợt rét vừa qua diễn ra trong thời gian ngắn nên có thể chưa có thiệt hại. Dù gia súc không chết nhưng rét sẽ không những làm trâu, bò yếu đi hoặc bị khớp chân không đi ăn được mà còn làm cho nguồn thức ăn bị tàn lụi do sương muối, vì vậy các địa phương cần chủ động ứng phó với thời tiết, tích cực chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn người nông dân làm tốt công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấp thỏm lo cho đàn gia súc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.