(HNM) - Là một trong số 40 thầy, cô giáo tiêu biểu được vinh danh, nhận Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” của ngành Giáo dục Hà Nội năm 2019, thầy giáo Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (quận Đống Đa) đã giúp học trò khiếm thính cảm thụ âm nhạc để trị liệu, đồng thời quan tâm dạy học văn hóa, dạy nghề, thắp sáng ước mơ cho nhiều học trò…
Người thầy tâm huyết với nghề
Tốt nghiệp Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I với tấm bằng giỏi, thầy giáo Phạm Văn Hoan bắt đầu gắn bó với ngành Giáo dục và Đào tạo từ năm 1993 trong vai trò là giáo viên dạy chuyên toán của Trường Phổ thông Năng khiếu Trần Phú (Hải Phòng). Những năm sau đó, thầy Hoan đã trực tiếp đứng lớp giảng dạy và làm công tác quản lý ở nhiều ngôi trường, gần đây nhất (từ năm 2011 đến năm 2016) là Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (quận Ba Đình, Hà Nội). Tháng 7-2016, thầy Phạm Văn Hoan được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn.
Hơn hai mươi năm gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, từng trực tiếp đứng lớp và làm công tác quản lý ở nhiều ngôi trường, nhưng khi “dừng chân” ở Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn, thầy giáo Phạm Văn Hoan vẫn không khỏi bỡ ngỡ.
“Dù đã trực tiếp dạy học, làm quản lý ở nhiều nơi, nhưng là ở cấp trung học phổ thông, nay sang môi trường mới với học trò ở cả ba cấp: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, tôi không khỏi lo lắng. Gạt đi những bỡ ngỡ ban đầu, tôi cố gắng tìm các tài liệu, văn bản, nghiên cứu nhiều mô hình giáo dục để tìm hướng tiếp cận gần nhất với những học trò có nhiều thiệt thòi…” - thầy Phạm Văn Hoan chia sẻ cảm xúc về những ngày đầu nhận nhiệm vụ ở ngôi trường chuyên biệt.
Trồng thêm cây xanh, trang trí phòng học, mua sắm trang thiết bị dạy học ở các phòng chức năng, cải thiện bữa ăn bán trú cho học trò… là những phần việc mà thầy Phạm Văn Hoan triển khai ngay khi nhận nhiệm vụ. Tùy theo thực tế, trường phân chia học sinh thành 2 lớp: Lớp hòa nhập (dành cho học sinh bình thường và học sinh khiếm thính thể nhẹ) và lớp chuyên biệt (dành cho trẻ khiếm thính mức độ nặng, phải dùng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp).
Khích lệ việc tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng nghiệp, tạo môi trường làm việc thân thiện, gần gũi là điều được vị hiệu trưởng ấy lưu tâm. Điều đó khuyến khích đội ngũ nhà giáo đoàn kết, cống hiến hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đặc biệt, nhiều thầy cô được phụ huynh học sinh tin yêu, kính trọng như các cô Vũ Đoàn Tố Nga, Vũ Thị Hiền, Phạm Chung Thủy, thầy Dương Tử Long… Cô giáo Vũ Đoàn Tố Nga chia sẻ: “Tôi hạnh phúc vì được làm việc ở một môi trường sư phạm luôn hết lòng vì học sinh và tự hào khi giúp các con, đặc biệt là các con khuyết tật tiến bộ từng ngày. Chính môi trường này cũng đã giúp tôi tự rèn luyện để hoàn thiện mình…”.
Khơi nguồn hy vọng
Từ những tài liệu có được về tác dụng của âm nhạc đối với người khiếm thính, thầy Hoan luôn trăn trở với việc làm sao để học trò của mình có thể “nghe” và cảm thụ được âm nhạc. Được một người mách nước, thầy Phạm Văn Hoan đã lặn lội tìm đến Trường Khiếm thính Lâm Đồng (tỉnh Lâm Đồng) để học tập kinh nghiệm. Cũng chính ở nơi đây thầy Hoan đã có cơ hội tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ của một chuyên gia giáo dục đặc biệt người Hàn Quốc - người đã có kinh nghiệm 30 năm sử dụng âm nhạc trong trị liệu cho trẻ khiếm thính.
Được sự hỗ trợ tích cực từ chuyên gia, sự ủng hộ của đồng nghiệp và phụ huynh học sinh, lần đầu tiên trong hơn 40 năm xây dựng và phát triển, thời khóa biểu của Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn có thêm tiết học âm nhạc dành cho các lớp chuyên biệt. Đã có nhiều tiết mục múa của học sinh khiếm thính biểu diễn khiến nhiều vị khách đến thăm trường trầm trồ, song ít ai biết được rằng, những điệu múa ấy được cảm nhận từ trái tim vì đôi tai các em hầu như không nghe thấy nền nhạc.
Ông Nguyễn Tiến Hoàng, có con đang học lớp 9 tại Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn chia sẻ: "Mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng các thầy, cô giáo của nhà trường vẫn cố gắng tạo điều kiện để các con có được môi trường tốt, tổ chức nhiều hoạt động để các con phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần… Sự hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Hoan đã giúp các gia đình có con khuyết tật như chúng tôi thêm lạc quan và khơi nguồn hy vọng về tương lai của các con.
“Tiếng lành đồn xa”, nhiều gia đình ở tận huyện Ba Vì, Đan Phượng, thị xã Sơn Tây… có con khiếm thính đã tìm đến trường xin học cho con. Vì vậy mà thời gian học tập của học sinh Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn được thiết kế khác biệt so với nhiều trường học. Theo đó, thời gian bắt đầu giờ học buổi sáng là 8h, buổi chiều là 16h30 để học sinh thuận tiện cho việc di chuyển.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc định hướng và trang bị cho học sinh khiếm thính ít nhất một nghề để khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, các em có thể tự lập, hòa nhập với cuộc sống bình thường, thầy Phạm Văn Hoan cùng các thầy giáo, cô giáo Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn đã kiên trì tổ chức các lớp dạy nghề. Với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, trường nghề, học sinh nhà trường đã được học nấu ăn, may mặc tại một số cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn Hà Nội. Các em tham gia học nghề được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại và được cấp chứng chỉ khi hoàn thành khóa học. Ba năm qua, đã có không ít học sinh ra trường, đi làm với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng.
“Chứng kiến học trò di chuyển vài chục kilômét hằng ngày; có những phụ huynh thay đổi cả công việc để có thể đưa - đón con đến trường, tôi thực sự thương cảm và khâm phục… Có em bị ốm vẫn đòi bố mẹ cho đến lớp; lại có không ít học trò nỗ lực vượt qua khó khăn, những khiếm khuyết của bản thân để vừa hoàn thành chương trình văn hóa, vừa học được một nghề và có được việc làm ổn định, bớt đi gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đó là động lực để tôi tiếp tục cống hiến, quyết tâm đem đến cho học trò những điều tốt đẹp nhất” - thầy Phạm Văn Hoan nói.
Với những sáng kiến trong đổi mới dạy học, thầy Phạm Văn Hoan đã nhiều lần được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tặng Giấy khen và Giấy chứng nhận sáng kiến kinh nghiệm có tính ứng dụng cao. Mới đây nhất, ngày 11-11-2019, tại lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập ngành Giáo dục Hà Nội, thầy Phạm Văn Hoan đã được vinh danh và nhận Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm 2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.