Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắp lên ngọn lửa trong những người con xa xứ

Phương Quỳnh| 16/05/2020 19:59

(HNNN) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho kiều bào sự quan tâm đặc biệt. Sự quan tâm của Bác không chỉ thể hiện ở những định hướng lớn của Người về việc tổ chức, xây dựng phong trào yêu nước của kiều bào trong những ngày đầu cách mạng, mà cả trong những công việc cụ thể, thường xuyên và liên tục.

Bác Hồ với kiều bào Thái Lan. Ảnh: Tư liệu

Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho kiều bào để báo tin nước nhà độc lập, cám ơn kiều bào đã gửi thư, điện chúc mừng, quyên góp xây dựng đất nước. Đồng thời Bác cũng kêu gọi kiều bào phát huy truyền thống con Lạc cháu Hồng, yêu nước, thương nòi, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau ổn định cuộc sống và làm cho thế giới văn minh nghe thấy tiếng nói của Tổ quốc. Bác kêu gọi kiều bào hãy luôn hướng về Tổ quốc và tỏ ra xứng đáng với những đồng bào đang chiến đấu anh dũng ở Nam Bộ để bảo vệ cho nền độc lập của nước nhà...

Tình cảm của Bác dành cho những người con xa quê hương còn thể hiện rất rõ trong thư chúc Tết của Người gửi cho kiều bào năm 1946. Đánh giá cao tấm lòng của bà con tuy ở nơi đất khách, quê người nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc, Bác khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà”. Cũng đêm giao thừa năm ấy, tại nhà bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, một số trí thức Việt kiều ở Pháp về họp mặt đón xuân. Nghe giọng nói ấm áp của Bác đọc thư chúc Tết gửi tới đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài qua đài phát thanh, rồi nghe Bác kết thúc bằng hai câu thơ lục bát: “Tết này ta tạm xa nhau/ Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”, bác sĩ Luyện xúc động nói: “Từ khi biết làm người, chưa bao giờ tôi được nghe một vị nguyên thủ quốc gia chúc Tết dân...”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ Việt kiều tại Pháp, năm 1946. (Nguồn: Tài liệu lưu trữ Bộ Ngoại giao)

Đáp ứng mong muốn của kiều bào là được trở về quê hương, tham gia xây dựng đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng và Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón tiếp kiều bào hồi hương. Ngày 10-1-1960, Người đã xuống cảng Hải Phòng trực tiếp đón kiều bào từ Thái Lan về nước trong chuyến đầu tiên. Trong buổi gặp mặt đầy cảm động này, Người khen ngợi kiều bào đã bao năm ở nơi đất khách quê người nhưng luôn luôn hướng về Tổ quốc, và tin tưởng kiều bào trở về xứ sở sẽ cùng đồng bào cả nước “đồng cam cộng khổ, vượt mọi khó khăn, hăng hái thi đua, thực hành tiết kiệm, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, vui tươi...”. Để giúp đỡ kiều bào về nước xây đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến những vấn đề cụ thể cho tương lai của kiều bào, như việc bố trí nơi ăn, chốn ở, việc sử dụng hợp lý khả năng chuyên môn... và trường học cho con em của kiều bào. Người thường xuyên nhắc nhở các ngành, các cấp chính quyền: “Kiều bào về đến địa phương nào thì cán bộ và nhân dân ta ở đó cần phải hết lòng giúp đỡ kiều bào đúng như Đảng và Chính phủ đã chỉ thị” .

Những năm sau đó, Người đã dành nhiều thời gian đến thăm các gia đình kiều bào mới về nước, động viên họ cố gắng vượt qua những khó khăn, trở ngại, nhanh chóng ổn định cuộc sống mới. Người theo dõi sát sao từng bước đi, từng sự cố gắng và mỗi thành tích của kiều bào, kịp thời khen thưởng những gương người tốt, việc tốt... Kể lại câu chuyện Bác Hồ đến thăm hỏi, chúc Tết gia đình, ông Phạm Văn Minh (con trai ông Phạm Văn Công - Việt kiều từ New Caledonia về nước từ năm 1961) cho biết, đó là một kỷ niệm lớn đối với gia đình ông. Hôm đó là chiều 30 Tết Quý Mão (năm 1963), cả nhà đang quét dọn, treo ảnh Bác, trang trí nhà cửa để đón giao thừa, trên tay bố ông Minh vẫn còn cầm chiếc búa để treo hai câu đối bên ảnh Bác thì có tiếng ô tô đỗ ngoài đường và tiếng nhiều người nói lao xao, tiếng chân bước đi vào ngõ. Rồi Bác Hồ tươi cười, nhanh nhẹn bước vào. Mẹ ông bàng hoàng thốt ra lời nói mộc mạc “Ối giời ơi! Có phải là Bác Hồ không? Bao nhiêu năm chúng con mong mỏi Bác mà...”. Bác Hồ hiền lành chậm rãi nói một cách bình dị, như muốn xóa nhòa cảm giác ngỡ ngàng trong lòng gia chủ: “Ờ! Thế thì bây giờ gặp nhau rồi, ta nói chuyện đi!”. Rồi Bác hỏi thăm gia đình đã đi những đâu, chuẩn bị Tết ra sao, có bánh chưng không; Người hỏi cả chuyện về bà con Việt kiều về nước nữa... Không khí buổi gặp vị Chủ tịch nước ấm cúng như mỗi khi người thân trong gia đình gặp nhau.

Sự gần gũi, thân mật trong những lần gặp gỡ, sự ân cần, chu đáo trong những lời chỉ bảo, dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sưởi ấm lòng người, làm cho kiều bào càng nhận rõ và ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, cổ vũ kiều bào thi đua phấn đấu, cùng nhau góp sức vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Tư tưởng của Bác, câu nói của Bác với bà con kiều bào khơi dậy trong lòng mọi người một niềm tin mãnh liệt về tương lai Tổ quốc ta sẽ tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn. Đó cũng là ngọn lửa yêu nước mà Người đã thắp lên cho những thế hệ kiều bào sau này. Và chính sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với kiều bào đã đặt cơ sở cho việc hình thành chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào trong hơn nửa thế kỷ qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thắp lên ngọn lửa trong những người con xa xứ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.