(HNM) - Sau 5 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng song cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
Để đạt được mục tiêu 50% số xã hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2020 đang đặt ra nhiều trở ngại, thách thức cần vượt qua.
Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cố vấn Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình xây dựng NTM.
- Là người gắn bó với Chương trình xây dựng NTM từ những ngày đầu, sau 5 năm thực hiện, ông đánh giá về chương trình này như thế nào?
- Cái được lớn nhất chính là sự đồng lòng của người dân và cả hệ thống chính trị, thể hiện lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước. Ở Chương trình xây dựng NTM, mức độ tham gia của người dân đạt cao hơn hẳn so với các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Trong giai đoạn 2011-2015 đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng đầu tư cho NTM. Nhờ đó, hạ tầng nông thôn có sự thay đổi nhanh chóng cả ở miền xuôi đến miền ngược, từ biên giới đến hải đảo, đã tạo thuận lợi cho nhân dân trong phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu... Cái được thứ 2 là: Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Ở các xã NTM, thu nhập của người dân nông thôn năm 2015 đạt 28,4 triệu đồng (so với 2010 là 16 triệu đồng); hộ nghèo chỉ còn 3,6% (năm 2010 là 11,6%). Cái được thứ 3 là: Bản sắc văn hóa được khôi phục và giữ gìn, tệ nạn xã hội được ngăn chặn. Cái được thứ 4 là: An ninh xã hội, môi trường sinh thái ở nông thôn được quan tâm nhiều hơn.
Nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Ứng Hòa. Ảnh: Thái Hiền |
- Kết quả đạt được là rất lớn, song những khiếm khuyết trong xây dựng NTM vẫn còn nhiều. Theo ông, đâu là trở ngại lớn nhất hiện nay?
- Đầu tiên là vấn đề quy hoạch. Lâu nay phát triển nông thôn chưa có quy hoạch. Gắn với xây dựng NTM, quy hoạch được triển khai nhưng mới chỉ có quy hoạch hạ tầng là đạt được yêu cầu, quy hoạch sản xuất và quy hoạch không gian vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân do khi xây dựng các quy hoạch gắn với xây dựng NTM, chúng ta chưa đặt ra các yêu cầu về tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nên những người làm quy hoạch chưa định hình được vấn đề này. Hơn nữa, nhiều bản quy hoạch vẫn đang nặng về quy hoạch cấp xã, mới chỉ tính một chút đến quy hoạch liên huyện chứ chưa tính đến quy hoạch vùng. Trong khi đó thì sản xuất không thể dừng ở quy mô xã, huyện. Quy hoạch sản xuất cũng mới chỉ tính đến khả năng tại chỗ, chưa tính đến liên kết với doanh nghiệp.
Thứ hai, việc tái cơ cấu lao động, rút bớt lao động nông thôn ra làm việc khác và đi kèm với đó là những chính sách hỗ trợ của Nhà nước phải đồng bộ. Hiện nay, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 của Chính phủ vẫn đang làm theo kiểu “hành chính, bao cấp”, chưa đúng với nguyện vọng của người nông dân và người sử dụng lao động. Đây là hạn chế cực lớn làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Ba là, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa đủ mạnh. Doanh nghiệp không tham gia thì không tạo thành chuỗi trong tiêu thụ sản phẩm, không liên kết được với nông dân để nâng cao giá trị nông sản và làm giàu cho nông dân. Điều này tác động đến mục tiêu của chương trình là nâng cao đời sống người dân.
Bốn là, nguồn lực xây dựng NTM còn rất hạn chế. Nhiều tỉnh, do dồn lực quá lớn để xây dựng NTM, dẫn đến nợ đọng nhiều. Một số nơi huy động quá sức dân làm NTM. Ở một số nơi khác, việc đầu tư lại không sát với thực tế nên không phát huy hiệu quả.
- Theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 (ban hành ngày 12-11-2015) của Quốc hội, trong giai đoạn 2016-2020, cả nước sẽ tập trung cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình xây dựng NTM và Chương trình giảm nghèo bền vững. Để đạt mục tiêu 50% số xã hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2020, theo ông, cần tập trung vào những giải pháp nào?
- Theo tôi, xây dựng NTM, sản xuất phải được coi trọng hàng đầu để từ đây nâng cao đời sống người dân. Nếu không làm được điều này thì sẽ không thể huy động được người dân đóng góp để xây dựng NTM. Để nâng cao đời sống người dân, cần làm 3 việc lớn: Phát triển kinh tế nông nghiệp, rút bớt lao động nông nghiệp bằng cách cấy nghề để nông dân li nông nhưng không li hương bởi xây dựng NTM là giảm áp lực cho đô thị. Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với xây dựng NTM. Công tác quy hoạch, trong đó quy hoạch sản xuất phải lưu ý hết sức mở và hãy để thị trường định hướng quy hoạch.
Một vấn đề nữa cũng cần hết sức chú ý đó là văn hóa nông thôn. Có thể thấy, nếu kinh tế suy giảm thì một thời gian sau có thể sửa được, nhưng mất văn hóa thì không sửa được. Cho nên, xây dựng NTM phải hết sức chú ý đến vấn đề này. Ngoài ra, môi trường nông thôn hiện cũng đang là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân cũng như mục tiêu phát triển nền nông nghiệp sạch. Đến nay mới có 27% số xã đạt tiêu chí môi trường… Do vậy, cần tập trung giải quyết vấn đề bức xúc về môi trường nông thôn trong quá trình phát triển sản xuất và công nghiệp hóa: thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất (thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chăn nuôi, nước thải làng nghề...) và xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, trong đó ưu tiên cho khu vực đông dân ở đồng bằng, ven đô thị. Xây dựng các mô hình thí điểm về xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt phù hợp với các khu vực trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến...
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.