Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảo luận về chính sách công nghiệp VN giai đoạn 2011 - 2020

L.H| 26/02/2011 18:54

(HNMO) – Ngày 26/2, hơn 50 học giả và các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản đã có mặt tại Hà Nội để cùng nhau chia sẻ quan điểm và ý kiến đối với việc hoạch định chính sách công nghiệp bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.


Cuộc đối thoại nói trên được tổ chức nhân chuyến viếng thăm Hà Nội từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 2 năm 2011 của ông Yoshito Sengoku, quyền Chủ tịch Đảng Dân chủ cầm quyền Nhật Bản. Đại sứ Nhật bản tại Việt Nam, ngài Yasuaki Tanizaki cũng tham gia cuộc đối thoại này.

Cuộc đối thoại tập trung vào sự cần thiết của chính sách công nghiệp của Việt Nam, những khía cạnh cần xem xét khi hoạch định chính sách, hệ thống lập kế hoạch và thực hiện cần sắp xếp, các lĩnh vực tiềm năng cần ưu tiên và định hướng hỗ trợ của Nhật Bản trong tương lai.

Cuộc tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ chương trình hợp tác đã được ký kết tháng 12 năm ngoái giữa Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với mục đích thúc đẩy việc thực hiện Chương trình đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản thông qua ngày 31 tháng 10 năm 2010.


Tham dự tại cuộc tọa đàm, Tiến sỹ Kenichi Ohno, Giáo sư của Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia, người đã nguyên cứu nền kinh tế và sự phát triển công nghiệp Việt Nam từ năm 1995 với kinh nghiệm thực tiễn phong phú không chỉ về Việt Nam mà còn các nước khác tại Châu Á và Châu Phi; ông đã chỉ ra sự cần thiết phải cải thiện chính sách và hoạch định chính sách công nghiệp linh hoạt tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Takeshi Hachimura, Cố vấn trưởng JICA tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng thời là Tham sự của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp tài chính cho sự nghiệp công nghiệp hóa tại Việt Nam và chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào các nhân tố hiện tại sang mô hình tăng trưởng mới dựa vào việc tăng năng suất và đổi mới.

Mặt khác, ở cuộc hội đàm, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã trình bày về khuôn khổ chung của chính sách công nghiệp Việt Nam. Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thảo luận về vài trò của tài chính trong sự nghiệp công nghiệp hóa. Tiếp theo đó, Tiến sỹ Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới, trình bày ý kiến về cơ cấu công nghiệp và những bước đột phá trong các khu công nghiệp. Tiến sỹ Chu Văn Lâm, Viện Khoa học Xã hội lại đề xuất cách thức thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua phát triển nông nghiệp.

Đồng chủ tọa của buổi hội thảo hôm nay là giáo sư Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội và giáo sư Tsuboi Yoshiharu , Đại học Waseda của Nhật Bản.

Qua buổi hội thảo đã giúp các nhà hoạch định và thực hiện chính sách chia sẻ các ý tưởng cơ bản đóng góp cho quá trình hoạch định chính sách công nghiệp Việt Nam và đồng thời mở ra các hướng nghiên cứu cho các học giả về mô hình phát triển kinh tế trong thập kỷ tới. Kết quả của buổi hội thảo sẽ được phản ảnh trong các đề xuất chính sách gửi lên Chính phủ Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thảo luận về chính sách công nghiệp VN giai đoạn 2011 - 2020

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.