(HNMO)- Vừa qua tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (VHNTVN) đã tổ chức cuộc thảo luận lấy ý kiến đánh giá của báo chí về Lễ hội Đền Trần 2011.
Lễ Khai ấn tại Đền Trần
Tại cuộc thảo luận, ông Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật cho biết, mục đích chính của cuộc thảo luận này là nhằm lấy ý kiến đánh giá của báo chí về lễ hội Đền Trần, qua đó Viện VHNT Việt Nam sẽ tổng hợp những ý kiến xác đáng, kết hợp với việc khảo sát lấy ý kiến người dân của của khu vực Mỹ Lộc (Nam Định), và cùng làm việc với UBND Thành phố Nam Định đưa ra những phương án tốt nhất cho việc tổ chức Lễ hội Đền Trần từ năm 2012.
Tại cuộc thảo luận, Viện VHNT VN đã công bố biên bản khảo sát của Viện về những đánh giá của báo chí trong thời gian qua về Lễ hội đền Trần 2011. Theo kết quả thu thập và phân tích các bài báo viết về chủ đề này được đăng tải trên các trang báo điện tử trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 31/3/2011. Kết quả, có 63 bài viết về lễ hội đền Trần trong tổng số 226 bài báo viết về chủ đề lễ hội. Trong đó, đa phần các bài viết tập trung phản ánh những thay đổi về bản sắc và truyền thống của lễ hội, tình hình an ninh trật tự, vấn đề quản lý nhà nước đối với lễ hội Đền Trần.
Tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy nhau trong lễ khai ấn
tại Đền Trần gây bức xúc trong dư luận.
Tại buổi họp, nhiều phóng viên đã thẳng thắn đưa ra những ý kiến thắc mắc đối với Viện VHNT VN về tục lệ “phát ấn” như: việc Viện đã tiến hành cho khảo sát các bài báo trong 1 thời gian quá ngắn, lại chỉ trên các báo điện tử sẽ thiếu khách quan. Hay tục lệ phát ấn chính thức có từ năm nào? Về sự thật giả của ấn? dẫn đến những tiêu cực trong việc này như “bán ấn”, “phe ấn”, về việc có hay không tục khai ấn Đền Trần được khôi phục do Viện VHNT giúp đỡ? Và thắc mắc về việc phát 1000 phiếu khảo sát lấy ý kiến người dân của xã Lộc Vượng về việc tổ chức Lễ hội Đền Trần là thiếu khách quan. Một số phóng viên cũng đã thẳng thắn đưa ra quan điểm nên chăng cho phép thương mại hóa cho hoạt động này như tổ chức bán ấn công khai và trong nhiều ngày chứ không chỉ phát ấn miễn phí, lại tập trung trong một ngày cố định sẽ tránh được sự chen lấn, dẫm đạp lên nhau để “cướp” ấn sẽ hạn chế được những tiêu cực diễn ra trong thời gian qua.
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp của báo giới, ông Nguyễn Chí Bền đã tiếp thu các ý kiến phản hồi, đồng thời khẳng định không có chuyện Viện VHNT can thiệp vào việc giúp đỡ khôi phục lễ khai ấn đền Trần. Trước đây (năm 2009), viện chỉ giúp đỡ UBND thành phố Nam Định tổ chức hội thảo về Lễ khai ấn Đền Trần. Ngoài ra, bản chất những rắc rối ở đây là câu chuyện tín ngưỡng, câu chuyện lễ hội gặp nhiều vấn đề do công tác tổ chức và nhu cầu chưa được hòa hợp. Câu chuyện tín ngưỡng không thể dùng biện pháp hành chính là cho hay không cho được. Như câu chuyện Phủ Giầy sau 10 năm cấm lại cho mở thử nghiệm.
Ông Nguyễn Chí Bền cũng cho biết thêm, bản chất cuộc thảo luận hôm nay là lấy ý kiến đánh giá của báo chí sau đó sẽ tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, các nhà sử học, đại diện các cơ quan chức năng rồi mới tiến hành họp báo công bố chính thức về vấn đề này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.