(HNM) - Thời gian qua, giá các mặt hàng năng lượng, vật liệu xây dựng biến động, trong khi quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng chưa theo kịp thực tiễn. Liên quan đến công tác quản lý định mức, giá xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh khẳng định, Bộ đang tiếp thu và sẵn sàng giải đáp, hướng dẫn, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư xây dựng.
Thi công cầm chừng, dừng thi công
- Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư xây dựng đang thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công. Đâu là nguyên nhân vướng mắc chính hiện nay của các dự án đầu tư, thưa Thứ trưởng?
- Có hai nguyên nhân chính. Một là thời gian qua, ở một số dự án, công trình, công tác xây dựng còn thiếu định mức hoặc định mức ban hành chưa phù hợp, nhất là đối với công tác xây dựng sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới. Hai là, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9-2-2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định rõ UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức xác định, công bố hoặc phân cấp, ủy quyền cho Sở Xây dựng công bố giá các yếu tố đầu vào (vật liệu, nhân công, máy thi công) và chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hằng quý hoặc sớm hơn khi cần thiết, bảo đảm kịp thời với những biến động giá trên thị trường xây dựng. Tuy nhiên, việc công bố giá và chỉ số giá xây dựng của hầu hết các địa phương đều có “độ trễ” hơn so với diễn biến thị trường, nhất là trước biến động tăng giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng thời gian gần đây. Đây là nguyên nhân tác động đến dữ liệu tính toán, dự trù chi phí các dự án đầu tư xây dựng và điều chỉnh giá trong công tác thanh toán, quyết toán hợp đồng các gói thầu xây dựng đang triển khai. Do đó xuất hiện tình trạng nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, hoặc làm chậm tiến độ thi công để chờ công bố giá.
- Xin Thứ trưởng cho biết, để thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư xây dựng, đâu là giải pháp để tháo gỡ các vướng mắc về định mức, hỗ trợ các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng?
- Nghị định số 10/2021/NĐ-CP quy định đủ chế tài liên quan đến trách nhiệm của các chủ thể trong việc tổ chức theo dõi, thu thập số liệu, xây dựng định mức dự toán trong quá trình thi công xây dựng nhằm “làm giàu” hệ thống định mức hiện có, đáp ứng yêu cầu phục vụ lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Vấn đề vướng mắc trong thực tế hiện nay là các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư còn lúng túng, có phần thiếu kinh nghiệm trong thực hiện xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh theo phương pháp đã được hướng dẫn.
Tại Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31-8-2021, Bộ Xây dựng cũng đã hướng dẫn phương pháp xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn chuyên môn để các chủ thể nắm vững các nội dung hướng dẫn xác định định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh, chủ động áp dụng trong quá trình tham gia hoạt động xây dựng. Đồng thời, tiếp tục khẩn trương xác định việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung định mức phù hợp với thực tiễn; coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết.
Hướng đến giải pháp tổng thể, đồng bộ
- Trước những biến động của thị trường xây dựng, giá vật liệu xây dựng đang tăng cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các dự án đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng có khuyến nghị gì đối với các địa phương?
- Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương theo dõi bám sát và tổ chức công bố giá cho các loại vật liệu khi có sự biến động. Đối với các vật liệu chuyên ngành giao thông (có yêu cầu kỹ thuật riêng) được khai thác, sản xuất hoặc phổ biến trên địa bàn chưa có trong danh mục công bố giá, Bộ Xây dựng đề nghị chủ đầu tư các dự án tập hợp, báo cáo để UBND, Sở Xây dựng các địa phương tổ chức xác định và công bố.
Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, tham mưu các giải pháp kịp thời tháo gỡ; đồng thời đề nghị các bộ quản lý công trình chuyên ngành, các địa phương chủ động rà soát, giải quyết các vướng mắc. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
- Về lâu dài, Bộ Xây dựng sẽ có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này một cách tổng thể, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương?
- Mục tiêu xuyên suốt của ngành Xây dựng là không ngừng hoàn thiện hệ thống thể chế nhằm phục vụ tốt hơn các yêu cầu thực tiễn mới phát sinh, tuân thủ tốt hơn các quy luật kinh tế thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu quả đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án đầu tư công. Từ đó góp phần tạo thị trường xây dựng minh bạch, có tính cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.