(HNMO) - Thiếu vốn cộng với tình trạng vốn giá cao như hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là một vấn đề mang tính hai mặt. Một mặt, nếu xét trong ngắn hạn sẽ là khó khăn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...
Từ việc ngân hàng thắt chặt tín dụng…
Trước những diễn biến xấu của thị trường trong và ngoài nước, gây lạm phát cao, đầu năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 với 6 Nhóm giải pháp đồng bộ về tiền tệ, tài chính, giá cả, ... để không chỉ kiềm chế lạm phát mà cũng đồng thời tiến hành ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nghị quyết này đã được sự đồng tình cao của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, mọi giải pháp đều có tính hai mặt của nó. Trong Nghị quyết nêu rõ, cần thực hiện tín dụng chặt chẽ, nhất là với chứng khoán và địa ốc, đồng thời lại khuyến khích các tín dụng phục vụ sản xuất trực tiếp, bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15-16%. Đây là quyết sách quan trọng, nhưng không thực hiện nhanh được do một số khoản vay tiếp tục đến kỳ giải ngân. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước tích cực giảm tín dụng cho các lĩnh vực phi sản xuất, mua sắm hàng xa xỉ...
Dù vậy, theo GS. Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam: Đến đầu năm 2011, nhiều ngân hàng chủ yếu vẫn là cho vay phi sản xuất: như NHTMCP Phương Tây có dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất tới 52,2%; NHTMCP Sài Gòn Hà Nội cũng có mức dư nợ cao 47%; NHTMCP Đông Nam Á 21%, NHTMCP Nam Việt 41%… Nếu nay thắt chặt nhanh tín dụng có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng này. Nhìn tổng thể, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2010, dư nợ cho vay phi sản xuất khoảng 431 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,7%/tổng dư nợ toàn ngành, trong đó, 18 ngân hàng có dư nợ lĩnh vực này từ 25% trở xuống (tính trên tổng dư nợ của ngân hàng); còn là 24 ngân hàng có dư nợ từ 25% trở lên. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam có nguồn gốc từ chính các ngân hàng lớn nhất.
Để khắc phục tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước có quy định, với lĩnh vực phi sản xuất khống chế cuối tháng 6 không quá 22% tổng dư nợ nền kinh tế, và đến cuối năm cơ cấu dư nợ chiếm không quá 16% tổng dư nợ. Đồng thời cũng quy định tốc độ tăng dư nợ tín dụng dưới 20% cho tất cả các ngân hàng thương mại. Đây là những quyết sách đúng đắn để chặn một nguyên nhân gây lạm phát do dòng tiền đưa ra thị trường quá lớn, trong khi đó NHNN cho biết hiện dư nợ phi sản xuất có ngân hàng lên đến 59% tổng dư nợ. Tuy nhiên, khi thắt chặt tín dụng, thì các dòng tiền chảy vào ngân hàng cũng khan hiếm, nhất là các ngân hàng nhỏ, thanh khoản kém. Vì vậy, đã phải nâng cao lãi suất huy động, do đó lãi suất cho vay cũng tăng cao. Khi Ngân hàng Nhà nước ấn định trần lãi suất huy động không quá 14%, thực tế, do “khát” vốn, nhiều ngân hàng đã có những thủ thuật để lách, đưa lãi suất huy động lên trên 14% khá nhiều, đến 17-18%. Hệ quả là lãi suất cho vay đã bị nâng lên trên 20%, gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
...Đến việc cần giải bài toán vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Có thể thấy, khi lãi suất được dâng cao, mọi doanh nghiệp đều phải tính toán lại phương án sản xuất kinh doanh của mình. Nhưng bản chất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tức là quy mô vốn nhỏ, tuy cộng đồng doanh nghiệp này có thể tham gia thu hút nguồn lao động đa dạng và sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ đa dạng, với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngoài nhà nước trên vốn sản xuất và doanh thu đều thấp, chỉ đạt bình quân 2-3%, so với mức 4-6% chung của cả nước. Cũng theo điều tra thống kê hằng năm với các doanh nghiệp mấy năm gần đây (2006-2008), có đến 30% (2006), 28% (2007) và 26% (2008) doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài nhà nước bị lỗ.
Vậy trong điều kiện lãi suất vay trên 20%, chỉ một số ít công ty mới có thể có hiệu quả kinh doanh cao có thể vay được. Để hoàn thành công trình đầu tư và dự án dở dang, một số doanh nghiệp đành chấp nhận lãi suất vay cao trong ngắn hạn, nhưng nhìn chung, nhiều doanh nghiệp khó trụ được lâu dài với mức lãi suất cao này. Hơn nữa, các điều kiện cho vay của các ngân hàng cũng rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn, dù lãi suất cao. Theo điều tra của Bộ Kế hoạch Đầu tư, có tới 1/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận nguồn vốn vay, nên đầu tư và kinh doanh cầm chừng và 1/3 tuy có tiếp cận được nhưng gặp khó khăn. Vậy giải pháp là gì?
Theo các chuyên gia, trước hết là với vai trò dẫn dắt của mình, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu phụ thuộc và bản chất của dự án có khả năng thu hồi vốn và mang lại hiệu quả xã hội…Nhà nước cần căn cứ vào tiến bộ trong việc kiềm chế lạm phát để từng bước hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh bình thường, vì điều này mang lại lợi ích dâu dài cho nền kinh tế.
Một số ý kiến cho rằng, Nhà nước nên khống chế trần lãi suất cho vay và từng bước hạ xuống để các doanh nghiệp có điều kiện lực chọn các phương án sản xuất kinh doanh thích hợp nhất, nhằm duy trì và phát triển sản xuất. Hơn hết, các công cụ kinh tế cần được sử dụng nhiều hơn để hướng ngân hàng vào các khoản vay mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp, vấn đề là cần lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh phù hợp hơn với điều kiện vay vốn khó khăn để bảo đảm hiệu quả kinh doanh, bởi lẽ đến 70% doanh nghiệp còn dựa chủ yếu vào các nguồn vốn vay. Do đó, với các nguồn vốn vay lãi suất cao hiện trên 20%, các doanh nghiệp cần lựa chọn phương án đầu tư và kinh doanh có hiệu quả cao nhất để có thể sử dụng các nguồn vốn này, hoặc tạm thời sử dụng một số vốn vay lãi suất cao để mua các trang thiết bị cần thiết nhất, tránh đầu tư tràn lan.
Với đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh đang sử dụng nhiều cách thức, biện pháp được để tháo gỡ như kêu gọi liên doanh, liên kết giữa các thành viên trong hội để đầu tư vào các dự án khả thi; giới thiệu để các thành viên của hội vay vốn ngân hàng như lãi suất hiện nay nhưng được trả nợ theo cách thức khác nhau phù hợp với điều kiện từng doanh nghiệp. Cũng nên huy động thêm các nguồn vốn khác từ nội bộ cán bộ nhân viên của doanh nghiệp và các hình thức liên kết khác để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, với những ưu đãi nhất định dành cho họ lâu dài sau này…
Những vấn đề trên sẽ được các giám đốc điều hành, giám đốc tài chính của các doanh nghiệp lớn Việt Nam và các chuyên gia kinh tế, chuyên gia tư vấn và tài chính đến từ các tổ chức tư vấn, tổ chức tài chính hàng đầu trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ tại Hội nghị thường niên Vietnam CFO Summit năm 2011 do Vietnam Report và báo VietNamNet phối hợp tổ chức ngày 10/06/2011 tại Hà Nội với chủ đề "Tối ưu hoá cấu trúc vốn và hiệu quả huy động vốn - Tận dụng cơ hội bứt phá trong giai đoạn bất ổn".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.