Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho phát triển khoa học công nghệ

Tiến Thành| 07/06/2023 13:41

(HNMO) - Trao đổi bên hành lang Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ngày 7-6, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, đánh giá khách quan về thực trạng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ, từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương):

Kỳ vọng gỡ “điểm nghẽn” cho đổi mới sáng tạo

Lĩnh vực khoa học, công nghệ, đặc biệt là sau dịch Covid-19 được cử tri đặc biệt quan tâm. Qua ứng dụng khoa học, công nghệ sẽ mang lại năng suất, hiệu quả tốt; giúp cho nền kinh tế phát triển hơn. Đây chính là lý do vì sao có đến 120 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, một con số kỷ lục tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Với xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ như hiện nay thì “điểm nghẽn” sẽ nằm ở chính sách pháp luật, do đó, hệ thống chính sách pháp luật phải được thay đổi phù hợp với thực tiễn. Luật Khoa học và công nghệ dự kiến được sửa đổi vào năm 2024 sẽ được tháo gỡ “điểm nghẽn”. Các thành tựu khoa học công nghệ cũng đã được áp dụng, tuy nhiên kết quả chưa được như mong đợi. Hôm nay, đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt về vấn đề này nhưng đây là vấn đề thực tế rất khó để trả lời thỏa đáng.

Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt sẽ có những giải pháp quyết liệt, khả thi và đột phá để gỡ “điểm nghẽn” trong cơ chế, chính sách, pháp luật để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp):

Nội dung chất vấn đúng trọng tâm, trọng điểm

Các nội dung chất vấn đặt ra cho Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ lần này rất trọng tâm, trọng điểm, được đại đa số đại biểu Quốc hội đồng tình. Người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng muốn làm sao để khoa học và công nghệ xứng đáng là quốc sách hàng đầu song song với giáo dục và đào tạo.

Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo hiện nay đang đặt ra một số bài toán lớn đối với Việt Nam, trong đó có vấn đề về nguồn nhân lực. Đại biểu nhấn mạnh cần phải tăng cường đầu tư ngân sách và thu hút xã hội hóa vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút các nhà khoa học hàng đầu trong nước cũng như các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ nói chung, trí tuệ nhân tạo nói riêng.

Tôi kỳ vọng, trong lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt sẽ trả lời đúng, trúng, đạt yêu cầu các câu hỏi đại biểu Quốc hội nêu, đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ trong nước như là quốc sách mà Đảng và Nhà nước đã xác định.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa).

Đại biểu Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa):

Có lãng phí đề tài, dự án khoa học công nghệ?

Theo Luật Khoa học công nghệ và Luật Ngân sách nhà nước thì hàng năm sẽ dành 2% tổng kinh phí ngân sách nhà nước để dành cho đầu tư lĩnh vực khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, thời gian qua, theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, ngân sách nhà nước không dành đủ 2% để đầu tư cho lĩnh vực này.

Trong phiên chất vấn lĩnh vực khoa học, công nghệ, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm vấn đề: Có lãng phí hay không trong câu chuyện đề tài, dự án khoa học, công nghệ sau khi nghiệm thu thì bị “cất bỏ ngăn kéo”. Tôi nhận thấy Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời chưa rõ câu chuyện có bao nhiêu đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu có tính ứng dụng cao và bao nhiêu đề tài bị lãng phí. Đây là câu hỏi cần được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời rõ với đại biểu Quốc hội và cử tri. Tránh tình trạng ngân sách đầu tư cho lĩnh vực khoa học, công nghệ rất lớn nhưng hiệu quả không như mong muốn như kinh phí đã bỏ ra.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh):

Tác động bằng chính sách để khoa học công nghệ phát triển

Bộ Khoa học và Công nghệ cần thể hiện được vai trò của mình trong điều hành, điều phối hoạt động khoa học, công nghệ, làm sao đưa các thành tựu khoa học, công nghệ đi vào đời sống. Ai cũng hiểu lợi ích của khoa học, công nghệ là để tăng năng suất lao động, tính hiệu quả thể hiện ở trong đó. Tuy nhiên, tác động trực tiếp thì khó, nhưng Bộ có thể tác động bằng chính sách để khoa học, công nghệ phát triển.

Bộ Khoa học và Công nghệ phải rà soát lại để có những đề xuất thay đổi. Có thể cách làm của chúng ta đúng ở giai đoạn nào đó, nhưng bây giờ đã đến lúc thay đổi để cạnh tranh được với nước ngoài. Chính sách nghiên cứu khoa học, công nghệ phải là đòn bẩy tạo môi trường thông thoáng, có thể giảm thuế, giúp đỡ, vinh danh những cá nhân, đơn vị muốn tham gia phát triển công nghệ chứ không nên làm thay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ những “điểm nghẽn” cho phát triển khoa học công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.