(HNMO) - Ban Cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 2769-TB/BCSĐ-TU ngày 22-7-2020, kết luận tại hội nghị đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngày 8-7-2020).
Sau khi nghe báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố và các ý kiến phát biểu, hội nghị thống nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, ủng hộ các đề xuất của thành phố Hà Nội. Trong đó, về quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết, quản lý sử dụng bãi sông; cải tạo nâng cấp các trường học, trụ sở làm việc hiện trạng ở bãi sông trên địa bàn thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cử các chuyên gia phối hợp với tổ công tác của thành phố rà soát, nghiên cứu các khu vực bức xúc để đưa ra phương án xử lý bảo đảm thực hiện đúng theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.
Liên quan đến giải pháp kỹ thuật xây dựng cải tạo tuyến đê hữu Hồng đoạn từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) và phương án thiết kế đối với đoạn đê hữu Hồng từ cầu Chương Dương đến cây xăng Lương Yên, UBND thành phố tiếp thu các ý kiến góp ý và giao cơ quan chuyên môn bổ sung tài liệu, hoàn chỉnh hồ sơ theo các phương án thiết kế, tính toán ổn định, đồng thời đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét thỏa thuận...
Tháo gỡ khó khăn trong cải tạo một số công trình cầu bắc qua sông Đáy, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tính toán lựa chọn phương án thiết kế cầu bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều. Về việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tổng cục Phòng, chống thiên tai thỏa thuận làm cơ sở phê duyệt, triển khai xây dựng công trình khi Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi, bổ sung có hiệu lực.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chủ động bố trí ngân sách của thành phố đầu tư nâng cấp, củng cố hệ thống đê điều trên địa bàn, trong đó ưu tiên tập trung xử lý các trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu; đồng thời tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn vi phạm pháp luật về đê điều, vi phạm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.