Ngày 16-8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Còn nhiều bất cập trong các lĩnh vực
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cho biết: Với vai trò Thủ đô, Hà Nội đang định hướng và phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể thao. Nhằm nâng cao vị thế và tăng hiệu quả kinh tế của hoạt động văn hóa, xã hội trên địa bàn, Thành ủy Hà Nội đã có những định hướng thu hút đầu tư thông qua việc ban hành các chương trình, nghị quyết.
Trong đó, Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giáo dục, bao gồm xây dựng và nâng cấp trường học từ mẫu giáo đến đại học, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách đổi mới chương trình giảng dạy, đào tạo giáo viên; mở rộng và nâng cấp hệ thống cơ sở y tế; nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; hướng tới việc trở thành một trung tâm thể thao không chỉ ở Việt Nam mà còn trên trường quốc tế...
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trung Hiếu, hiện nay các lĩnh vực đều ghi nhận những đóng góp tích cực. Điển hình ở lĩnh vực giáo dục, đến tháng 7-2024, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố đạt 79,6% (1.789/2.251 trường). Tuy vậy, trường học công lập còn thiếu do chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt hoặc thiếu quỹ đất (tập trung tại các quận nội đô)...
Ở lĩnh vực y tế, ông Lê Trung Hiếu thông tin, tính đến 20-5, có 488/579 (84,28%) xã, phường, thị trấn đã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia. 15 quận, huyện có 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia. Dù vậy, hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, đặc biệt là văn bản về mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa...
Lĩnh vực văn hóa, thể thao, hoạt động quảng cáo ngoài trời diễn ra sôi động. Công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời ngày càng phức tạp do thành phố có địa giới hành chính với 30 quận, huyện, thị xã.
Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tại hội nghị, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đã bày tỏ những khó khăn, vướng mắc, đề nghị tháo gỡ vấn đề liên quan thủ tục, giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài; cơ chế đầu tư, gỡ khó cho trường THPT tư thục, đặc biệt là trường ở ngoại thành được thuê đất thực hiện dự án trường học; chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế? việc hỗ trợ doanh nghiệp y tế, đặc biệt khối tư nhân trong tuyển dụng, đào tạo và giữ chân nhân tài?..
Tham gia đối thoại, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết: Trước mắt, căn cứ các quy định hiện hành, trường hợp người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động 1 lần và được gia hạn 1 lần mà lao động và doanh nghiệp vẫn có nhu cầu làm việc thì doanh nghiệp nộp hồ sơ cấp mới giấy phép lao động như nộp lần lần đầu. Hiện, mỗi năm Sở cấp giấy phép lao động cho khoảng 4.700 lao động là giáo viên tiếng Anh, Nhật, Hàn... Sở đang tham mưu thành phố tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vấn đề này.
Liên quan lĩnh vực giáo dục, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương lưu ý, các trung tâm ngoại ngữ khi đăng ký cho người nước ngoài làm việc, cần đề rõ địa chỉ làm việc để tránh trường hợp, giáo viên đăng ký một nơi nhưng lại dạy một địa điểm khác.
Trả lời vấn đề thuộc phạm vi quản lý, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, thành phố luôn quan tâm, hỗ trợ thành lập cơ sở khám, chữa bệnh mới. Tuy nhiên, việc này cần phải thực hiện theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Để bảo đảm nhân sự cho các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh có thể điều chuyển bác sĩ, hoặc một bác sĩ có thể khám, chữa bệnh nhiều nơi nhưng không được trùng thời gian.
Liên quan nội dung đầu tư trong lĩnh vực y tế, đại diện Sở Tài chính cho biết, thành phố đã ban hành Danh mục đầu tư, cho vay của Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó có lĩnh vực giáo dục và y tế. Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu vay vốn, đề nghị liên hệ với Quỹ để được hướng dẫn cụ thể.
Ở lĩnh vực văn hóa, thể thao, các ý kiến của doanh nghiệp tập trung nội dung quảng cáo và cấp phép biểu diễn như: Thủ tục cấp giấy phép xây dựng biển quảng cáo; việc gia hạn thời gian hoạt động quảng cáo điện tử; cho phép các doanh nghiệp quảng cáo được lắp đặt thêm những màn hình LED mới trên địa bàn...
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, thời gian qua, hoạt động quảng cáo qua màn hình LED góp phần kịp thời tuyên truyền chính trị, kinh tế, an sinh xã hội của thành phố. Tuy nhiên, trong thời gian hoạt động thí điểm, còn một số vướng mắc phát sinh: Lắp đặt màn hình LED chưa đúng hồ sơ thiết kế, chưa đảm bảo quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn… Vì thế, việc cấp phép, gia hạn thời gian hoạt động cần được đánh giá lại một cách cụ thể. Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Khi Luật sửa đổi được ban hành, sẽ có cơ sở để quản lý hoạt động quảng cáo hiệu quả, sát thực tế hơn.
Về việc cấp phép biểu diễn các chương trình nghệ thuật, theo ông Đỗ Đình Hồng, với chương trình không thu phí, phục vụ nhiệm vụ chính trị thì chỉ cần có thông báo gửi cơ quan quản lý, nhưng nếu vì mục đích kinh doanh, thương mại thì phải làm hồ sơ thủ tục cấp phép đúng quy định.
Nhanh chóng tháo gỡ những điểm bất hợp lý
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng, mặc dù có nhiều thành tựu nhưng công tác quản lý trong lĩnh vực văn hóa - xã hội còn bộc lộ những bất cập, nhất là trong bối cảnh các chính sách, luật có sự thay đổi trong từng giai đoạn khác nhau.
Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, Thành ủy, UBND thành phố luôn quan tâm lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực. Chính vì thế, thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép những cơ chế đặc thù, trong đó có giải pháp để thực hiện hợp tác công - tư hiệu quả.
Với những vướng mắc về chính sách mà các doanh nghiệp nêu, thành phố sẽ cân nhắc, xem xét trong phạm vi quản lý, điểm nào không phù hợp sẽ nhanh chóng tháo gỡ. Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị các sở, ngành đổi mới việc giải quyết thủ tục hành chính, đưa các giải pháp công nghệ để doanh nghiệp thực hiện thủ tục dễ dàng, nhanh gọn. Với các doanh nghiệp, khi hoạt động, cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Tôi tin rằng, với sự chia sẻ, chung tay của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, lĩnh vực văn hóa - xã hội sẽ góp phần giúp Thủ đô ngày càng phát triển, văn minh, hiện đại và xứng tầm - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.