Công nghiệp văn hóa

Thúc đẩy, tạo bứt phá cho doanh nghiệp văn hoá:Tháo gỡ rào cản từ cơ chế quản lý

Hoàng Lan 28/07/2024 - 07:38

Doanh nghiệp văn hóa có vai trò quan trọng trong phát triển thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, hiện tại các doanh nghiệp văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu cơ chế ưu đãi chuyên biệt. Nhận thức đầy đủ về vai trò của các doanh nghiệp văn hóa, thực hiện các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa sẽ thực sự góp phần gia tăng “sức mạnh mềm” của quốc gia trong bối cảnh mới.

z5660303340384_f494684cffc22950c42a455ee397c7bd.jpg
Là một không gian nghệ thuật nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động triển lãm, tọa đàm nhưng Manzi vẫn phải tự vận hành nhờ nguồn thu từ kinh doanh quán cà phê và bán các tác phẩm nghệ thuật.

Thiếu cơ chế ưu đãi chuyên biệt

Gần 8 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến. Theo số liệu của Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giai đoạn 2018 - 2022, công nghiệp văn hóa thu hút trung bình khoảng 2,9 triệu - 3,8 triệu lao động, chiếm 7,1% trong tổng dân số có việc làm của cả nước. Số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa năm 2022 là trên 70.300 cơ sở, chiếm 3,1% tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam trong những năm tới, tuy nhiên, các doanh nghiệp văn hóa - yếu tố cấu thành quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa - hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế chính sách ưu đãi chuyên biệt.

Là một không gian nghệ thuật thành lập từ năm 2012, thường xuyên tổ chức các hoạt động triển lãm, tọa đàm, chiếu phim, giới thiệu sách..., thế nhưng hiện tại Manzi vẫn vận hành như một hộ kinh doanh cá thể, hoạt động nhờ nguồn thu từ bán cà phê và các tác phẩm nghệ thuật. Tương tự, không gian điện ảnh “Ơ kìa Hà Nội” - nơi thường diễn ra các chuỗi sự kiện văn hóa, nghệ thuật và điện ảnh, cũng không được hưởng bất cứ ưu đãi nào cho các hoạt động này. Do là doanh nghiệp vừa và nhỏ, lại không có bất cứ ưu tiên nào cho hoạt động văn hóa, “Ơ kìa Hà Nội” từng đối mặt với việc dừng hoạt động và phải trải qua vài lần đổi địa điểm do giá thuê mặt bằng tăng.

Hiện tại, Hà Nội có hơn 100 không gian sáng tạo và hầu hết các không gian sáng tạo này nếu muốn thành lập đều phải đăng ký hoạt động kinh doanh. Đó có thể là một phòng tranh, một thư viện, quán cà phê hoặc một mô hình hộ kinh doanh cá thể, một doanh nghiệp xã hội..., và chủ của các không gian sáng tạo này đều không được hưởng lợi từ chính sách thuế, không được ưu đãi hay hỗ trợ về chính sách.

Tại hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra đầu tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Bá Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương - Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, đã chia sẻ về những khó khăn mà ngành thủ công mỹ nghệ đang gặp phải. Quá trình khảo sát trên 100 doanh nghiệp tại các làng nghề, ông nhận ra một vấn đề chung, đó là sản phẩm làng nghề đang bị mai một trong bối cảnh nền kinh tế phát triển quá nhanh. 95% lao động làng nghề đang hoạt động tại các cơ sở ở địa phương có quy mô sản xuất nhỏ, nguồn lao động ít ỏi, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, bởi để xây dựng một ngành công nghiệp thường phải hướng tới mục tiêu tiêu chuẩn hóa, nghĩa là phải có nguồn nhân lực lớn, cơ sở sản xuất lớn... Chưa kể, hiện nay các nghệ nhân hầu hết đều trên 40 tuổi, thế hệ trẻ rất ít người theo nghề.

Còn nhạc sĩ Quốc Trung, Giám đốc Công ty Thanh Việt Production thẳng thắn nêu, hiện đang có sự phân biệt về chính sách giữa các doanh nghiệp trong và ngoài Nhà nước, đặc biệt là trong việc sử dụng thiết chế văn hóa công. Khi Công ty Thanh Việt Production tổ chức Lễ hội âm nhạc Gió mùa 2023, dù biểu diễn gần như miễn phí ở nhiều điểm văn hóa của quận Hoàn Kiếm, được quận hỗ trợ tốt, nhưng khi ông ngỏ ý muốn sử dụng rạp Công Nhân (của Nhà hát Kịch Hà Nội) thì lại gặp khó vì những quy định về sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa công. “Chính điều này đã hạn chế sự đóng góp của khối tư nhân làm công nghiệp sáng tạo vào quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, hạn chế sức sáng tạo, sự cạnh tranh lành mạnh giữa các lực lượng sáng tạo trong và ngoài nhà nước” - nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định.

Cần sớm có giải pháp hiệu quả

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Một nhiệm vụ quan trọng của chiến lược này là xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Từ đó đến nay, công nghiệp văn hóa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, có đóng góp không nhỏ vào GDP của cả nước, tạo ra những hệ sinh thái mới mẻ, thu hút nhiều nguồn đầu tư. Công nghiệp văn hóa đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, như PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, hiện là Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội, từng thốt lên rằng, đó như là một giấc mơ có thật.

Tuy nhiên, để cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ, những ưu đãi về tài chính, thuế, phí trong lĩnh vực văn hóa thì hiện còn chưa có khung pháp lý đặc thù. Để thúc đẩy, tạo đà bứt phá cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần có sự tiếp sức, hỗ trợ từ phía Nhà nước, đầu tiên là tạo điều kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước đối với vị trí, vai trò của các doanh nghiệp văn hóa.

Tiếp đó là điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp với sự biến đổi không ngừng của các ngành công nghiệp văn hóa. Tại Hội thảo tham vấn đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhạc sĩ Quốc Trung đề nghị: Trong chính sách phát triển văn hóa phải xóa đi ranh giới giữa doanh nghiệp trong và ngoài Nhà nước, sự hỗ trợ phải công bằng. Cùng quan điểm kêu gọi sự ủng hộ đối với khối doanh nghiệp tư nhân, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, muốn phát triển công nghiệp văn hóa thì cần hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành nền kinh tế thị trường, nghĩa là phải có chính sách đãi ngộ cho những người trực tiếp sáng tạo văn hóa, các doanh nhân, nhà đầu tư... Ông Vinh cũng cho rằng, công nghiệp sáng tạo trong thời gian tới sẽ biến đổi rất nhanh, sẽ xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới. Nếu cơ chế hoạt động và khung pháp lý dành cho các doanh nghiệp sáng tạo quá cứng nhắc thì sẽ khiến các doanh nghiệp này gặp nhiều rào cản, hạn chế sức sáng tạo.

Đặc biệt, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh, người sáng lập nhóm Lên Ngàn khẳng định, yếu tố con người là mối quan tâm hàng đầu, vì thế Nhà nước cần tạo cơ chế tốt hơn trong tiền kiểm, hậu kiểm để các nghệ sĩ được tự do sáng tạo. Với tư cách là chủ một doanh nghiệp, theo nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hoàng Anh, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân và các nhà sáng tạo, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa như chính sách đất đai, chính sách vay vốn, chính sách thuế, chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng, chính sách hỗ trợ về giá... để doanh nghiệp văn hóa có đủ khả năng tồn tại và phát triển.

Có thể thấy, những thách thức đặt ra cho phát triển công nghiệp văn hóa đang đòi hỏi một sự đột phát về tư duy quản lý văn hóa. Khi có những giải pháp phù hợp, căn cơ, Việt Nam mới có thể tạo ra bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa, thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp văn hóa cả về quy mô, chất lượng, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy, tạo bứt phá cho doanh nghiệp văn hoá: Tháo gỡ rào cản từ cơ chế quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.