Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp

Đặng Loan| 09/06/2012 08:11

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu trong tháng 6 tạo điều kiện cho DN cần vốn vay được 30.000 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh. Giải pháp đưa ra là mỗi ngành hàng sẽ được UBND TP và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đứng ra kết nối với một ngân hàng để hai bên cùng tháo gỡ khó khăn cho nhau.


Chưa tới 1% DN được vay theo trần lãi suất

Thống kê của NHNN cho biết, tính đến ngày 29-5, sau gần một tháng triển khai áp trần lãi vay theo Thông tư 14, chỉ có 641 DN thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên được vay gần 6.029 tỷ đồng.


Nhiều doanh nghiệp đang rất cần vốn để sản xuất.

Con số trên là quá nhỏ, chưa đầy 1% trong khoảng 120.000 DN đang hoạt động trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công thương cho biết, DN trên địa bàn đang khó khăn bởi hàng tồn kho tăng cao. So với cùng kỳ năm 2011, chỉ số hàng tồn kho ở ngành chế biến và bảo quản rau quả tăng 132%, sản xuất các sản phẩm từ plastic tăng 89%, xi măng tăng 52,3%, bao bì tăng 44%, chế biến bảo quản thủy sản tăng 32%… Chính vì hàng tồn kho này mà các DN không tiếp cận được nguồn vốn mới, phải trả lãi suất cao. Ông Lai dẫn chứng, năm 2007 Công ty CP Giấy Sài Gòn đầu tư 2.000 tỷ đồng cho Nhà máy Giấy Mỹ Xuân 2 với lãi suất 12%/năm. Đến cuối năm 2011 lãi suất đã lên đến 22-24%/năm. Vì vậy mà năm 2009 chỉ phải trả lãi suất chưa đến 45 tỷ đồng, nhưng năm 2010 phải trả 60 tỷ đồng, năm 2011 trả 80 tỷ đồng và theo tính toán thì năm 2012 số lãi suất phải trả là 200 tỷ đồng. Theo ông Lai, công ty đã xin khoanh nợ, giảm lãi cho vay cũ nhưng ngân hàng không trả lời. Ở trường hợp khác, cũng có DN được giảm lãi suất cho khoản vay cũ nhưng vẫn còn quá cao. Như Công ty Gas Thành Tài, trước đây vay vốn để đầu tư thiết bị máy móc với lãi suất 19%/năm. Nay lãi suất đã xuống 14% nhưng khi đàm phán với ngân hàng về khoản vay cũ thì ngân hàng chỉ giảm xuống còn 17%. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP than rằng, ngân hàng không "mở" cho vay vì còn "thủ thân", bảo đảm an toàn cho vốn. Chính vì sợ mất vốn nên ngân hàng chỉ cho vay 6 tháng, sau đó thì đảo nợ. Tuy nhiên, do thời gian quá ngắn nên DN không xoay sở được, trở thành nợ xấu ngay.

Cùng khơi thông nguồn vốn

Trong khi các DN đang "chết" vì thiếu vốn thì ngành ngân hàng cũng ở cảnh khó khi huy động với lãi suất 11%/năm nhưng không cho vay được. Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hầu hết các ngân hàng đều thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước về việc cho vay trong 4 lĩnh vực theo Thông tư 14. Tuy nhiên, do các DN đang trong tình trạng nợ quá hạn, nợ xấu, chỉ số an toàn giảm… nên ngân hàng không thể cho vay được. Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á khẳng định, không phải ngân hàng "đóng cửa" mà rất muốn cho vay vì đang thừa vốn. Còn ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho rằng, vì ngân hàng đang huy động lãi suất 11%/năm, nên cũng phải đôn đáo cho vay, nếu không cho vay được thì ngân hàng cũng khốn khổ. Theo ông Phước, Eximbank đang gửi liên ngân hàng 10.000 tỷ đồng với lãi suất 4%. Số tiền này, nếu cho DN vay 13-14%, chênh lệch 9-10% sẽ thu nhiều hơn 800 tỷ đồng, một bài toán kinh doanh thế tại sao lại không làm (?). Vấn đề là DN vướng mắc ở đâu để cùng nhau tháo gỡ.

Nhưng các DN làm sao tiếp cận được ngân hàng với các khoản nợ xấu và không còn tài sản thế chấp? Theo ngành ngân hàng, các DN cũng phải tự mình nỗ lực tìm đầu ra cho mình, không chỉ là vay vốn mà cần tìm cách hợp lực cùng ngân hàng tìm đầu ra cho sản phẩm, đẩy nhanh hàng tồn kho. Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu ví dụ, nhà ở xã hội là lĩnh vực mà ngân hàng muốn cấp tín dụng vì thị phần lớn. Ngân hàng có mở cho vay, nhưng người tiêu dùng lại không hưởng ứng vì giá nhà cao quá. Vì vậy, hạ giá xuống bớt thì sẽ đẩy được hàng tồn, khơi thông nguồn vốn.

Phó Thống đốc NHNN Trần Minh Tuấn nhìn nhận rằng, việc DN cần vốn nhưng không được vay và ngân hàng cần cho vay nhưng không cho vay được đang rơi vào vòng luẩn quẩn. Trong những giải pháp trước mắt, Phó Thống đốc yêu cầu các hiệp hội và ngành hàng ngồi lại với nhau, mỗi ngân hàng "đảm nhiệm" gỡ khó cho một ngành hàng theo danh sách mà UBND TP và ngành hàng đó gửi đến. Còn Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cam kết, UB sẵn sàng giao cho quỹ hỗ trợ DN vừa và nhỏ đứng ra bảo lãnh cho DN để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, các hiệp hội phải nắm rõ cụ thể từng DN tồn kho bao nhiêu, cần vốn như thế nào, nắm cụ thể mới gỡ được, cố gắng trong vòng tháng 6 tạo điều kiện cho DN vay được 30.000 tỷ đồng để sản xuất kinh doanh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.