(HNM) - Đg đến 9-9, đã quá thời hạn tháo dỡ một tuần, nhiều bảng quảng cáo vi phạm vẫn đang tồn tại. Chính quyền một số địa phương, doanh nghiệp đang
Một số bảng quảng cáo vi phạm trên địa bàn huyện Sóc Sơn chưa được tháo dỡ. |
Chậm do thiếu quyết liệt
Khác với tâm lý nghe ngóng, nhìn nhau trong thời gian đầu thực hiện Chỉ thị 16, từ đầu tháng 9 đến nay, đa số doanh nghiệp, địa phương có bảng QCVP đều huy động tổng lực cho việc tháo dỡ bảng QCVP. Chưa đến một ngày, quận Tây Hồ đã “nhổ sạch” 26/26 bảng QCVP. Quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai không còn tên trong “sổ đen” thống kê bảng QCVP của các cơ quan chức năng. Nhờ đó, không gian nút giao thông Nghi Tàm - Yên Phụ, đường Võ Chí Công - Nhật Tân, đường Thanh Niên, Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh… phong quang, thoáng đãng.
Tương phản với những tuyến đường thoáng, đẹp trong nội đô, các trục giao thông chính ở khu vực ngoại thành vẫn chưa hết nhếch nhác vì bảng QCVP. Ngày 9-9, hàng chục bảng QCVP trơ khung cột, rách tả tơi vẫn nằm dọc những tuyến đường gần Sân bay Nội Bài thuộc địa phận huyện Sóc Sơn. Bảng quảng cáo của Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội - Hãng phim Hà Nội, đối diện đền Bà Tấm thuộc địa phận xã Dương Xá và bảng QC của Công ty TNHH Mặt trời vàng trên quốc lộ 1 Hà Nội - Bắc Ninh tại xã Phù Đổng (Gia Lâm) vẫn còn nguyên. Dọc Đại lộ Thăng Long thuộc địa phận huyện Quốc Oai, Thạch Thất, một số bảng QCVP cũng chưa được tháo dỡ.
Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, Phó Trưởng đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội cho biết thêm, đến ngày 9-9, Đoàn đã kiểm tra, xác minh và ghi nhận chính thức 77 bảng QC một cột, 121 bảng hộp đèn được tháo dỡ. Huyện Sóc Sơn thông báo đã tháo dỡ được hơn 10 bảng một cột, nhưng Đoàn chưa xác minh nên chưa khẳng định. 4 địa phương tuy đã có xúc tiến nhưng trên thực tế vẫn chưa "chuyển động" gì là quận Hoàn Kiếm, huyện Gia Lâm, Thạch Thất và Quốc Oai. Lý giải cho sự chậm trễ này, ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn phân tích, phần lớn bảng QCVP tồn tại nhiều năm, đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần, song vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Nay cùng lúc phải tháo dỡ nhiều bảng QCVP, nên cần có thời gian. Hơn nữa, các doanh nghiệp có bảng QCVP trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng đồng thời có bảng QCVP ở nhiều quận, huyện khác nên doanh nghiệp phải ưu tiên tháo dỡ trong khu vực nội thành. Còn ông Nguyễn Vũ Hán, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai giải thích, huyện Quốc Oai nhiều lần gặp gỡ, vận động và yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16, nhưng chưa hiệu quả.
Có thể khẳng định, lý do tiến độ tháo dỡ bảng QCVP chậm mà các địa phương đưa ra chưa thực sự thuyết phục. Bởi thời gian, kế hoạch tổ chức tháo dỡ bảng QCVP đã được thông báo công khai từ hơn một tháng trước. Trong quá trình làm việc, các doanh nghiệp, địa phương có bảng QCVP đều ủng hộ chủ trương đưa hoạt động quảng cáo ngoài trời vào nền nếp của thành phố và cam kết thực hiện. Mặt khác, thực tế triển khai hoạt động này cho thấy, những địa phương sớm hoàn thành việc tháo dỡ bảng QCVP là những địa phương đã triển khai Chỉ thị 16 với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương. Như ở quận Ba Đình, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, quận đã giao trách nhiệm tổ chức tháo dỡ bảng QCVP cho UBND các phường, phường nào không hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian, lãnh đạo phường đó phải chịu trách nhiệm. Trong quá trình tháo dỡ bảng QCVP, lãnh đạo UBND quận Ba Đình thường xuyên có mặt tại hiện trường chỉ đạo, đôn đốc, động viên lực lượng chức năng. Tương tự, quận Thanh Xuân, Tây Hồ luôn hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện việc tháo dỡ. “Bảng quảng cáo một cột đứng độc lập có diện tích rất lớn, trong khi các tuyến đường nội đô rất nhỏ. Để doanh nghiệp có thể tháo bảng QCVP ở đường Lê Trọng Tấn, chúng tôi đã làm việc với một số đơn vị quản lý công trình xây dựng trên tuyến đường này và đề nghị họ tạo điều kiện cho máy móc cồng kềnh đi vào địa điểm đặt bảng quảng cáo”, bà Phạm Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Xuân chia sẻ.
Trong cuộc họp Đoàn thanh tra liên ngành chiều 9-9, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, Trưởng đoàn thanh tra một lần nữa khẳng định, TP Hà Nội nhất quán chủ trương tháo dỡ toàn bộ bảng QCVP, không ưu ái, nhân nhượng bất kỳ trường hợp nào.
Mong chờ quy hoạch phù hợp
So với thời hạn ngày 3-9 mà Chỉ thị 16 đưa ra, công tác tháo dỡ bảng QCVP rõ ràng có sự chậm trễ. Nhưng nhìn vào kết quả đạt được, có thể khẳng định, chưa bao giờ chủ trương đưa hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội vào nền nếp nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng sâu rộng như hiện nay.
Theo ông Phạm Thành Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội, có được kết quả này là nhờ Chỉ thị 16 có nhiều nội dung phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội và doanh nghiệp. “Một là, Chỉ thị 16 quy định rõ trách nhiệm quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời đến từng ngành, từng địa phương, địa phương nào để xảy ra vi phạm, lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm; khắc phục được tình trạng chồng chéo từ khâu cấp phép, đến khâu quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời hiện nay. Hai là, Chỉ thị 16 đã yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng khẩn trương hoàn thiện “Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, ông Phạm Thành Minh phân tích.
Đồng quan điểm, ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhận định, Hà Nội có quy hoạch quảng cáo sớm ngày nào, sẽ hạn chế được vi phạm ngày đó. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời cũng sẽ dễ dàng hơn. Ông Đinh Quang Ngữ khẳng định: “Với kinh nghiệm, chuyên môn sẵn có, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam sẵn sàng tư vấn, góp ý cho dự thảo quy hoạch quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội để quy hoạch thực sự khoa học, khả thi”.
Không chỉ “ngóng” quy hoạch, ông Đoàn Văn Sinh còn mong muốn quy hoạch quảng cáo ngoài trời được bổ sung, điều chỉnh hằng năm. “Quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, nhất là ở khu vực ngoại thành. Đường mở rộng tới đâu, nhu cầu quảng cáo ngoài trời “theo” đến đó. Mỗi năm, Hà Nội có hàng chục con đường mới, công trình mới, cho nên quy hoạch quảng cáo ngoài trời không được điều chỉnh, bổ sung hằng năm sẽ lạc hậu ngay”, ông Đoàn Văn Sinh nói. Đây cũng là ý kiến của nhiều địa phương trong quá trình quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời. Về vấn đề này, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, Sở VH-TT Hà Nội đang phối hợp với các ngành, địa phương, các đơn vị tư vấn xây dựng dự thảo quy hoạch quảng cáo.
Ở vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, TP Hà Nội cẩn trọng, chắc chắn, quyết liệt khi đưa ra các giải pháp nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời là cần thiết. Để kết quả này giữ được bền vững, ngoài sự chấp hành nghiêm quy định của các địa phương, doanh nghiệp, thì việc sớm ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời theo hướng khách quan, khoa học là rất cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.