Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành ủy Hà Nội thực hiện sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc: Tăng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo

Hiền Lương| 01/06/2023 06:12

(HNM) - Thành ủy Hà Nội vừa thực hiện lần thứ ba sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII đến nay. Mỗi lần sửa đổi là một lần quy chế thêm hoàn thiện, không chỉ cập nhật các quy định mới của Trung ương, mà còn đổi mới nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là bài học kinh nghiệm, là nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.

Huyện ủy Đông Anh xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm quy chế làm việc, phân công rõ trách nhiệm. Trong ảnh: Đại biểu trao đổi tại buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra của Huyện ủy Đông Anh với Đảng ủy xã Bắc Hồng, tháng 3-2023. Ảnh: Bá Đông

Cấp trên gương mẫu làm trước

Theo Quy chế làm việc số 05-QC/TU ngày 15-6-2022 của Thành ủy Hà Nội, trường hợp một dự án đầu tư ngoài ngân sách (như dự án khu nhà ở, khu đô thị mới...) có quy mô diện tích trên 10ha khi phải thực hiện điều chỉnh dự án có thể phải trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy 4 lần. Nhưng với những nội dung sửa đổi, bổ sung vừa được thông qua tại Hội nghị lần thứ mười hai Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, điều này sẽ không lặp lại. Thay vào đó, Thành ủy sẽ ủy quyền cho Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo xem xét, quyết định.

Quy chế mới còn một số nội dung cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và thành phố mới ban hành, đặc biệt là việc quy định phân cấp, ủy quyền, đổi mới lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính... Đáng chú ý, quy chế mới xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy khi làm việc với cơ sở không thay mặt Thường trực Thành ủy hay Ban Thường vụ Thành ủy, trừ khi được ủy quyền. Nhìn nhận về điều này, PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định mới định vị chính xác hơn vai trò “cầu nối” của đồng chí ủy viên, đồng thời nâng cao trách nhiệm của tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy trong mối quan hệ với cấp dưới.

Nội dung này chính là “quy chế hóa” thực tiễn đổi mới phương thức làm việc của Thành ủy Hà Nội thời gian gần đây. Đó là khi làm việc với sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, tập thể Thường trực Thành ủy tiến hành làm việc. Sau mỗi buổi làm việc, Thường trực Thành ủy ban hành kết luận, phân công giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị làm căn cứ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Đánh giá về nét mới này, đồng chí Nghiêm Duy An (Đảng bộ phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm) nhận xét: “Việc thực hiện kết luận của tập thể Thường trực Thành ủy bao giờ cũng có hiệu lực mạnh hơn so với kết luận của một đồng chí”.

Cùng với Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đều đi trước, gương mẫu trong xây dựng, hoàn thiện quy chế làm việc, bảo đảm rõ người, rõ việc, cá thể hóa trách nhiệm, phát huy vai trò người đứng đầu. Nhờ đó, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố ngày càng được nâng lên. Đây là nguyên nhân hàng đầu giúp Hà Nội duy trì tăng trưởng kinh tế cao ngay trong bối cảnh khó khăn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Gần đây nhất, 4 tháng đầu năm 2023, GRDP thành phố tăng 5,8%, cao hơn bình quân cả nước (3,32%); thu ngân sách nhà nước đạt 185.000 tỷ đồng, bằng hơn 57% dự toán năm.

Sức bật cho phát triển

Thực hiện sự chỉ đạo của cấp thành phố, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện quy chế làm việc.

Tại huyện Đông Anh, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đã được khẳng định qua những bước tiến vượt bậc trong thực hiện Đề án xây dựng huyện lên quận. Bí thư Huyện ủy Lê Trung Kiên cho biết, giải pháp mấu chốt của huyện là xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm quy chế làm việc, phân công rõ trách nhiệm các Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách Cụm chỉ đạo toàn diện, Huyện ủy viên phụ trách các xã, thị trấn chỉ đạo trực tiếp.

Trong khi đó, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho biết, thực hiện đồng bộ với quy chế làm việc của cấp ủy, quận đã chỉ đạo hệ thống chính trị hoàn thiện nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị bảo đảm sự thông suốt, nhanh, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tại quận được giải quyết trước hạn, đúng hạn đạt 100%.

Đối với quận Thanh Xuân, điểm nổi bật là Ban Thường vụ Quận ủy đã chỉ đạo cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành 160 cuộc kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng theo đúng quy chế làm việc... Nhờ làm tốt cách này, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của quận được nâng lên. Chỉ số cải cách hành chính tăng từ vị trí thứ 9 năm 2020 lên thứ 6 năm 2022.

Tuy nhiên, còn không ít cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương chưa chú trọng xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc; chưa kịp thời rà soát, bổ sung quy trình công tác, quy chế phối hợp. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chỉ rõ, qua kiểm tra có tình trạng cán bộ cơ sở chậm chuyển biến, không theo kịp tình hình, chưa có tác phong phục vụ; còn có tâm lý trông chờ ỷ lại. Điều này có một phần nguyên nhân là việc phân công, giao nhiệm vụ, kiểm tra, giám sát theo quy chế làm việc chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thời gian tới là việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện quy chế làm việc, quy trình công tác.

Đến nay, hầu hết các cấp ủy Đảng đã hoàn thành sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025. Đáng chú ý, khi xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, tất cả đều khẳng định sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, trọng tâm là “gò” quy chế làm việc bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Với ý thức tự giác của các cấp ủy Đảng kết hợp việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên của Thành ủy, hy vọng sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ trên toàn thành phố về chất lượng xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, lan tỏa tới cấp cơ sở. Điều này chắc chắn sẽ tạo sức bật mới cho Thủ đô phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành ủy Hà Nội thực hiện sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc: Tăng hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.