Năm 2025, tiếp tục thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, huyện Thanh Trì tập trung xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn kết hợp xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm...
Duy trì nhiều mô hình hay, hiệu quả
Theo Phó Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Hoàng Thanh Tâm, trên địa bàn Thanh Trì có tổng số 6.874 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Từ đầu năm 2025 đến nay, huyện đã tăng cường công tác truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, như: Tổ chức hội nghị, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo từng nhóm đối tượng với hàng nghìn lượt người tham dự; treo băng rôn, khẩu hiệu, cấp phát tờ rơi tuyên truyền về an toàn thực phẩm.
Nhiều mô hình hay, hiệu quả tiếp tục được duy trì, như: Mô hình điểm cải thiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống tại thị trấn Văn Điển; mô hình thức ăn đường phố, cảnh báo nhanh an toàn thực phẩm tại 16/16 xã, thị trấn; mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người. Ngoài ra, huyện còn duy trì công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại tuyến phố văn minh đường Tựu Liệt - Quốc Bảo, thị trấn Văn Điển, Cầu Dậu - Cầu Tó, xã Thanh Liệt.
Huyện cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong quý I-2025, toàn huyện kiểm tra 615 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống. Kết quả, 587 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm 95,44%), 28 cơ sở vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt hơn 157 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 7 xử lý 3 cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc và cơ quan Công an xử lý 2 cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc với tổng số tiền phạt 8 triệu đồng.
Qua kiểm tra thực tế, cơ bản các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành điều kiện an toàn thực phẩm; nhận thức tốt hơn về quy định bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Song, vẫn còn một số cơ sở vi phạm quy định về sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; không có ủng hoặc giày dép chuyên dùng trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; kinh doanh hàng hoá nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, đến nay, Thanh Trì không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra.
Tăng cường tuyên truyền và xử phạt nghiêm
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 diễn ra từ ngày 15-4 đến ngày 15-5, với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng, các cấp, ngành và người dân cần tích cực hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả mục tiêu, chủ đề của Tháng hành động; tiếp tục có giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, đột phá trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Huyện tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng; kịp thời thông tin về các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và cơ sở vi phạm.
Các xã, thị trấn cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm và chú trọng đến các bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố (thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 49/2024 của HĐND thành phố về xử phạt gấp hai lần đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm). Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng về tuân thủ pháp luật trong an toàn thực phẩm đối với cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Huyện thực hiện các chuyên đề trọng tâm, trọng điểm theo sự chỉ đạo của thành phố. Huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị theo chức năng nghiên cứu, tham mưu, triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2025 và trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm theo các lĩnh vực, bảo đảm hiệu quả, thực chất.
“Các phòng, ban chuyên môn của huyện, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, thống kê danh sách cơ sở quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn; hướng dẫn cơ sở thực phẩm thủ tục hành chính được cấp phép hoạt động theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát và hậu kiểm sau quá trình cấp phép. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn; tăng cường giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm; chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị cần thiết sẵn sàng điều tra, xử lý khi có sự cố về an toàn thực phẩm...", Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng nhấn mạnh.
Hiện tại, UBND huyện Thanh Trì đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung kiểm tra các xã, thị trấn theo chuyên đề, đồng thời áp dụng mức xử phạt cao nhất theo thẩm quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.