Huyện Thanh Trì đã được UBND thành phố công nhận 8 điểm du lịch - đây là tiền đề quan trọng hình thành các tuyến du lịch hấp dẫn trên địa bàn...
Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú; du lịch nông nghiệp, nông thôn có tiềm năng rất lớn để phát triển. Huyện đã được UBND thành phố công nhận 8 điểm du lịch: Yên Mỹ, Đại Áng, Thanh Liệt, Duyên Hà, Tam Hiệp, Vạn Phúc, Tân Triều, Đông Mỹ - đây là tiền đề quan trọng, là cơ hội để Thanh Trì hình thành các tuyến kết nối du lịch với địa phương lân cận, tạo điểm đến du lịch “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, đáp ứng yêu cầu phát triển...
Nhiều điểm du lịch nông thôn hấp dẫn
Yên Mỹ là vùng quê có lịch sử lâu đời, người dân đến đây tụ cư khá sớm. Từ đê sông Hồng, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh sông nước hữu tình của làng quê nơi đây. Yên Mỹ có nhiều khu du lịch sinh thái hấp dẫn như: Vạn An, Hải Đăng, Đầm Tròn, Vườn Chim Việt, khu trồng rau thủy canh...
Đặc biệt, Vườn Chim Việt là một trong những cơ sở tư nhân đầu tiên của cả nước được cấp giấy phép gây nuôi chuyên về các loài gia súc, gia cầm quý. Đến đây, du khách có thể ngắm muôn loài chim như công, trĩ, thiên nga trắng, thiên nga đen, vịt uyên ương; các loại thú quý như lạc đà Apaca, ngựa lùn Pony, chuột túi; các giống vật nuôi như gà quý phi, gà hắc phong, gà phượng vũ, sâm cầm, ngỗng trời, ngỗng khổng lồ, ngỗng sư tử…
Khu du lịch sinh thái Vạn An - Hải Đăng là địa điểm được học sinh và du khách yêu thích bởi nhiều hoạt động bổ ích, hấp dẫn. Hằng năm, Khu du lịch trải nghiệm Vạn An - Hải Đăng đón tiếp hàng vạn học sinh tham gia trải nghiệm hoạt động nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, trải nghiệm làng nghề và kỹ năng sống.
Vui mừng chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Chủ trang trại Vạn An - Hải Đăng cho biết, trang trại nuôi hàng trăm con ngựa bạch, 50% là ngựa bạch cái sinh sản, cung cấp giống ngựa bạch chuẩn cho nhiều trang trại thuộc các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Bắc Giang, Thái Bình, Vũng Tàu... Nơi đây thu hút nhiều du khách và học sinh tới trải nghiệm, khám phá.
Tương tự, điểm du lịch xã Đại Áng cũng khá hấp dẫn du khách. Cụ Nguyễn Đình Kiểm - hậu duệ đời thứ 11 của Trạng nguyên Nguyễn Quốc Trinh (xã Đại Áng) cho biết, Đại Áng có nhiều địa điểm, như: Đình Đại Áng, chùa Thiên Phúc, Khu Văn chỉ làng khoa bảng Nguyệt Áng, đình Nguyệt Áng, đình Vĩnh Thịnh, chùa Thanh Dương, đền Hoành Sơn (thôn Vĩnh Thịnh), miếu Linh Linh (thôn Vĩnh Trung), chùa Ứng Linh, đình Vĩnh Trung...
Có thể nói, đây là chuỗi du lịch tâm linh, trải nghiệm, mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho du khách bởi có sự giao thoa giữa văn hóa cổ và văn hóa đương đại…
Là một trong những du khách tham quan trải nghiệm du lịch nông thôn tại xã Đại Áng, bà Trần Thị Thanh Hương (huyện Thanh Oai) cho hay, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình bà cùng bạn bè tham quan Văn chỉ làng khoa bảng Nguyệt Áng. "Các chùa nơi đây cổ kính, yên bình. Đặc biệt, cùng chuỗi du lịch tâm linh, chúng tôi còn được tham quan làng nghề nón lá Vĩnh Thịnh có tuổi đời hàng trăm năm; tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản “Sông trong ao” của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng...", bà Hương chia sẻ.
Tại Thanh Trì, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, đặc biệt là lễ hội truyền thống được lưu truyền qua nhiều đời...
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, huyện định hướng khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch địa phương. Việc được UBND thành phố công nhận 8 điểm du lịch là điều kiện rất thuận lợi cho huyện...
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Với mong muốn xây dựng Thanh Trì trở thành một trong những huyện trọng điểm phát triển du lịch của Hà Nội, các địa phương trên địa bàn không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ Trần Quốc Oai cho biết, để “giữ chân" du khách, thời gian tới, xã phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp thông qua các doanh nghiệp du lịch, lữ hành; hình thành “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn nhằm giới thiệu, lan tỏa thế mạnh du lịch địa phương...
Theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Cường, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững ngành Du lịch, quảng bá giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống lịch sử quê hương, thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, Thanh Trì tiếp tục chỉ đạo các đơn vị áp dụng chuyển đổi số vào công tác quản lý; phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hoàn thiện kết cấu hạ tầng và các dịch vụ thiết yếu...
Bên cạnh đó, các điểm du lịch trên địa bàn chú trọng chỉnh trang, vệ sinh cảnh quan môi trường bảo đảm xanh, sạch, đẹp; hoàn thiện sơ đồ chỉ dẫn tổng thể tại từng điểm tham quan; duy trì, bảo tồn giá trị văn hóa, tạo điểm nhấn đặc trưng cho du lịch của Thanh Trì...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.