(HNM) - Bên lề Kỳ họp thứ tám, QH khóa XII, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã trao đổi với phóng viên xung quanh việc thanh tra tập đoàn Vinashin.
- Kết quả thanh tra Vinashin thế nào, thưa ông?
- Hiện đoàn thanh tra mới kết thúc thanh tra tại đơn vị và đang xem xét lại các hồ sơ để đi đến kết luận cuối cùng về những sai phạm của Vinashin. Khi có kết luận thì đoàn thanh tra sẽ báo cáo với Tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó Tổng Thanh tra sẽ phải kiểm tra, có sự thống nhất để báo cáo lên Thủ tướng. Về việc bao giờ có kết luận thanh tra thì cứ phải làm đúng luật. Luật đã quy định sau khi kết thúc thanh tra tại đơn vị, trong vòng 1 tháng phải có báo cáo kết luận. Nhưng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, việc này phải tiến hành sớm, làm khẩn trương để có báo cáo Chính phủ. Nội dung này có báo cáo tại QH hay không là do Chính phủ. Chính phủ chỉ đạo nếu kịp thì sẽ báo cáo. Nếu không kịp, sau đó sẽ có cách phù hợp để báo cáo QH.
- Liên quan đến Vinashin, tại kỳ họp này ông có nhận được ý kiến chất vấn nào liên quan?
- Tôi có nhận được một ý kiến chất vấn và tôi cũng đã trả lời. Nội dung trả lời cũng giống tôi trả lời trước QH. Hiện, có một số ý kiến chất vấn Thủ tướng, Thủ tướng cũng đang chỉ đạo chuẩn bị để trả lời. Nội dung trả lời cũng tập trung vào những nội dung: Tại sao có tới 11 cuộc thanh tra mà không phát hiện được các sai phạm của Vinashin? Có sự bao che nào không? Sai phạm của Vinashin như vậy trách nhiệm thuộc về ai? Xung quanh những vấn đề này tôi đã giải trình trước QH rồi.
Phải nói rõ thế này, 11 cuộc thanh tra từ năm 2006 đến đầu năm 2010 là của nhiều cơ quan tiến hành. Có 4 cuộc của thanh tra chuyên ngành và Thanh tra Chính phủ làm, 4 cuộc của kiểm toán, đặc biệt là có của kiểm toán quốc tế độc lập làm và có 1 cuộc kiểm tra của TƯ về đổi mới doanh nghiệp nhà nước và 1 cuộc giám sát của QH. Như vậy là có sự tham gia của tất cả các cơ quan chức năng và thanh tra, kiểm tra giám sát vào cuộc, không chỉ có riêng Thanh tra Chính phủ.
Qua các cuộc thanh tra này đều phát hiện những nội dung sai phạm cụ thể, bởi vì theo phạm vi thanh tra thì mức độ thanh tra chưa toàn diện. Ví dụ Thanh tra Chính phủ thanh tra mô hình bể thử tàu thủy của Vinashin thì cũng phát hiện một số sai phạm trong việc mua sắm các thiết bị, xây dựng mô hình. Thanh tra Chính phủ cũng đã báo cáo Chính phủ, kiến nghị xử lý việc này. Rồi thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phát hiện kế hoạch phát triển ngành này bất cập và đầu tư ra ngoài ngành quá lớn, rồi xung quanh việc huy động vốn, nhất là trái phiếu Chính phủ… Trên cơ sở báo cáo các việc này, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý, trong đó có việc tăng cường quản lý, nâng cao việc sử dụng vốn.
Những chỉ đạo này vừa có tính chất chỉ đạo chung, vừa có chỉ đạo cụ thể. Nhưng trong quá trình thực hiện, Vinashin lại không chấp hành hoặc chấp hành không đến nơi đến chốn. Chúng ta chưa có một cuộc thanh tra toàn diện nên không phát hiện đầy đủ, kịp thời những sai phạm của Vinashin. Bên cạnh đó, qua các cuộc thanh tra mặc dù Thủ tướng đã có chỉ đạo nhưng chưa có chế tài cần thiết để bắt buộc Vinashin chấp hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.