Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh tra chuyên ngành góp phần dẹp “thực phẩm bẩn”

Xuân Lộc| 21/10/2020 07:54

(HNM) - Từ năm 2016, Hà Nội triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường. Từ ngày 10-7-2019, Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

Sau hơn 1 năm triển khai, lực lượng thanh tra chuyên ngành đã góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực tham gia công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến cơ sở, thành phố đã tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho 3.320 người và đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm để tiến hành xét nghiệm cho 1.240 người. Cùng với đó, thành phố cũng đã triển khai được 804 đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, trong đó tuyến quận, huyện có 77 đoàn; tuyến xã, phường có 627 đoàn.

Từ ngày 10-7-2019 đến 10-7-2020, các đoàn thanh tra chuyên ngành của thành phố đã tiến hành thanh tra được 8.119 cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý 2.050 cơ sở vi phạm (chiếm 25,2%) với tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm; cống rãnh thoát nước khu vực chế biến ứ đọng, không được che kín; không thực hiện lưu mẫu thực phẩm, kiểm thực 3 bước...

So với kết quả kiểm tra cùng kỳ trước khi tiến hành thí điểm thanh tra chuyên ngành, tỷ lệ số cơ sở vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính tăng từ 3,3% lên 8,3%. Kết quả này cho thấy, việc xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cao hơn, mạnh hơn so với kiểm tra an toàn thực phẩm, góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Còn với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm.

Có được kết quả này, theo ông Trần Văn Chung, đó là do lãnh đạo các đơn vị đều xác định sự cần thiết của thanh tra chuyên ngành tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn và coi đó là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó là sự chủ động và phối hợp chặt chẽ giữa Sở Y tế với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, đặc biệt là sự giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi của Thanh tra Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm, Trường Cán bộ Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia trong việc đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra chuyên ngành.

Với hiệu quả đã đạt được thời gian qua, hoạt động thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm nên tiếp tục được duy trì ở tuyến quận, huyện, thị xã. Còn với tuyến xã, phường, thị trấn nếu tiếp tục triển khai thanh tra chuyên ngành thì cần đơn giản hơn quy trình thanh tra, đồng thời nghiên cứu thêm điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ được đào tạo cấp chứng chỉ để huy động được lực lượng cán bộ hợp đồng có chuyên môn thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công thương tham gia vào đoàn thanh tra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh tra chuyên ngành góp phần dẹp “thực phẩm bẩn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.