Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh toán không dùng tiền mặt: Thêm tiện ích, tạo thói quen

Thanh Hiền - Thanh Nga| 14/08/2020 06:32

(HNM) - Khoảng 2.820 máy giao dịch tự động (ATM), hơn 84.000 máy chấp nhận thẻ thanh toán (POS) đã được lắp đặt tại hơn 52.000 điểm giao dịch trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng với thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các hoạt động thương mại điện tử cũng được chú trọng. Với nhiều tiện ích, người dân đang dần quen với các hình thức thanh toán hiện đại này.

Ngày càng nhiều khách hàng chọn thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nhật Nam

Dần trở thành thói quen

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống, đặc biệt kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhằm tránh tập trung đông người. Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn, các ngân hàng thương mại đã triển khai khoảng 2.820 máy giao dịch tự động (ATM), hơn 84.000 máy chấp nhận thẻ thanh toán (POS) tại hơn 52.000 điểm giao dịch trên địa bàn Hà Nội. Cùng với đó, dịch vụ ngân hàng điện tử đã được các ngân hàng thương mại phát triển mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng để hướng người dùng thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt.

Thông tin thêm về vấn đề này, Giám đốc Ban Phát triển ngân hàng bán lẻ (Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) Nguyễn Mai Khanh cho biết, hầu hết các ngân hàng đều có sản phẩm ngân hàng điện tử. Để khuyến khích khách hàng sử dụng, ngân hàng tặng 100% phí giao dịch. Chỉ bằng điện thoại thông minh, khách hàng có thể chuyển khoản, thanh toán mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, với công nghệ mã QR, khách hàng có thể thanh toán nhanh chóng, thuận lợi, độ an toàn cao. 

Cùng với ngân hàng, các doanh nghiệp, nhất là khối bán lẻ cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, sử dụng nhiều hình thức thanh toán điện tử. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin: Liên ngành Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội, Sở Tài chính và một số sở, ngành liên quan của thành phố đã tích cực phối hợp triển khai thanh toán điện tử trong thương mại điện tử và dịch vụ công trực tuyến, như: Thuế, hải quan, điện, nước, học phí, viện phí, chi trả lương hưu... Các giải pháp thanh toán rất tiện lợi như ví điện tử, ATM, POS, thanh toán qua internet banking, mobile banking, thanh toán qua mã QR...

Hầu hết các trang thương mại điện tử đều ghi nhận sự tăng trưởng của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, khi người tiêu dùng Việt sử dụng kênh mua bán trực tuyến.

Chị Nguyễn Thùy Chi (trú tại ngõ 591 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Hình thức mua sắm, thanh toán trực tuyến rất tiện lợi, an toàn, khiến tôi thay đổi gần như hoàn toàn thói quen mua sắm. Điều này rất hữu ích nhất là khi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay”. Chị Lê Minh Hoa (trú tại ngách 17/22 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cũng cho rằng, sự tiện lợi của thanh toán trực tuyến chắc chắn sẽ thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người ngay cả khi hết dịch Covid-19.

Tăng tiện ích dịch vụ ngân hàng, thương mại điện tử

Khách hàng sử dụng phương thức quét mã QR khi thanh toán tại siêu thị Lotte. Ảnh: Quang Vũ

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại và tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua internet, điện thoại di động, thanh toán số, thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ đám mây...; đồng thời phối hợp với các sở, ngành triển khai ứng dụng thanh toán điện tử với các dịch vụ công mức độ 4. Các dịch vụ theo kế hoạch gồm: Vé xe buýt, chi trả bảo hiểm xã hội, nộp lệ phí hải quan - thu thuế và thông quan điện tử 24/7, thanh toán chi tiêu công và thu phí dịch vụ công…

Ngoài ra, các ngân hàng tổ chức, sắp xếp lại mạng lưới ATM, POS tại khu vực ngoại thành phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục đẩy mạnh phát triển ứng dụng, phương tiện và mô hình thanh toán, chuyển tiền điện tử hiện đại, dễ sử dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng. Đồng thời có biện pháp tăng cường bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn; khuyến cáo, hướng dẫn khách hàng phòng tránh rủi ro, thủ đoạn gian lận trong thanh toán không dùng tiền mặt”, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho biết.

Ở lĩnh vực thương mại, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng chia sẻ, hệ thống siêu thị BRG đã ứng dụng phần mềm bán hàng BRG Shopping để phục vụ các đơn hàng trực tuyến. Việc phát triển thương mại điện tử, thanh toán bằng công nghệ QR, ví điện tử… là một trong những chiến lược quan trọng của Tập đoàn BRG trong thời gian tới.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, các doanh nghiệp bán lẻ, cung cấp dịch vụ sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán, đặc biệt là ứng dụng thanh toán qua mã QR. Khách hàng chỉ cần mở các ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử trên điện thoại thông minh, sử dụng mã QR là có thể thanh toán nhanh chóng. "Năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu 75% số người sử dụng internet tham gia mua sắm trực tuyến. 90% cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và 25% cửa hàng xăng dầu chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ", bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Với sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng và tiện lợi trong giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ dần trở thành sự lựa chọn tích cực của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch bệnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán không dùng tiền mặt: Thêm tiện ích, tạo thói quen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.