Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh Thủy với cây đàn tranh Việt Nam

ANHTHU| 29/05/2005 08:14

Những ngón tay thon mảnh của Thủy lướt trên dây đàn, một thứ âm thanh mê hoặc lôi cuốn chính cả người chơi lẫn người nghe vào một thế giới khác- thế giới huyền diệu của âm nhạc dân tộc.

Zheng là tên gọi phiên âm tiếng Anh chỉ cây đàn thân gỗ rỗng dài với nhiều dây được căng qua hàng con nhạn từ cầu đàn đến hàng phím lên dây. Một số nước châu Á có những nhạc cụ cùng họ với loại đàn này chính là đàn Guzhengcủa Trung Quốc, đàn tranhcủa Việt Nam, Kayagumcủa Hàn Quốc, Kotocủa Nhật Bản và Yatgacủa Mông Cổ. Nguồn gốc chính xác của cây đàn này từ nước nào hiện vẫn còn là vấn đề mà các nhà nghiên cứu âm nhạc đang tranh cãi.

Thoạt nhìn, những cây đàn này có hình dáng chung giống nhau là cùng đặt nằm trên lòng người chơi, nhưng thực ra chúng khác nhau rất nhiều và đều mang những đặc trưng riêng của mỗi nước. Số dây, hệ thống dây, kỹ thuật diễn tấu, bài bản... hoàn toàn khác nhau. Ví dụ số dây của đàn Guzheng là 21, đàn tranh của Việt Nam là 16, Koto là 13, đàn Zheng cổ xưa lại chỉ có 7 dây. Vào năm 1993, Hiệp hội đàn Zheng đại dương xanh được thành lập tại Xin-ga-po. Hội thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc và hội thảo chuyên về các cây đàn cùng họ Zheng. Tháng 9-2000 Liên hoan đàn Zheng châu Á lần thứ nhấtđược tổ chức tại Việt Nam. Tháng 11-2004, nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thanh Thủy, giảng viên khoa nhạc cụ truyền thống Nhạc viện Hà Nội được mời sang Xin-ga-po trình diễn solo đàn tranh tại Nhà hát lớn Esplanade. Những giai điệu réo rắt với nhiều cung bậc tình cảm khi thanh thoát bay bổng, lúc trầm mặc du dương của những bài cổ nhạc Việt Nam như Tứ đại cảnh, Vọng cổ, Tứ đại oán, Luyện 5 cung và những bản nhạc mới sáng tác như:Thanh Thủy, Mùa thu quê hương, Giai điệu sông Hồng, Rặng tre trước gió...được thể hiện qua những ngón đàn điêu luyện của nghệ sĩ Thanh Thủy đã thực sự chinh phục trái tim thính giả và làm họ ngỡ ngàng trước sức biểu cảm mạnh mẽ của cây đàn tranh Việt Nam.

Việc trình diễn solo một cây đàn dân tộc suốt cả tiếng đồng hồ cũng là điều hiếm thấy từ trước tới nay. Nhưng cũng chính buổi trình diễn solo này đã giúp mọi người cảm nhận rõ hơn những giá trị của cây đàn tranh VN. Tại Liên hoan nhạc dân tộc với tên gọi Giai điệu đàn Zheng được tổ chức ngay sau đó (12-2004) tại Inđônêxia với hơn 100 nghệ sĩ nhạc dân tộc của châu Á tham dự, tên tuổi của nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy đã được đưa lên hàng đầu cùng với nghệ sĩ Thum Soon Boon của Xin-ga-po và nghệ sĩ Eni Agustien của Inđônêxia – cả 3 nghệ sĩ đều chơi đàn thuộc họ zheng của dân tộc mình. Thanh Thủy đã rất tự hào nói về cây đàn tranh: “ Đàn Tranh Việt Nam mình là cây đàn khác biệt nhất so với những đàn thuộc họ zheng còn lại của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ. Các đàn kia có nhiều nét tương đồng, riêng đàn Tranh VN lại có những nét khác biệt riêng không thể lẫn. Nét riêng biệt nhất chính là kỹ thuật xử lý tay trái. Khi chơi đàn Tranh, tình cảm của người chơi được nhấn mạnh nhiều chính nhờ kỹ thuật xử lý tay trái chiếm phần lớn. Trong khi đàn các nước khác mạnh về tay phải hơn, có nghĩa là mạnh về phát âm các nốt nhạc. Còn đàn của mình khi phát âm ra rồi, người nghệ sĩ phải xử lý âm thanh đó như thế nào bằng những rung, những nhấn rất phong phú và nhiều sắc thái. Đàn các nước khác thường to hơn, dây đàn là dây bọc nên tiếng trầm hơn. Đàn Tranh của mình tiếng thanh hơn và réo rắt hơn. Ngay cả về hình dáng, tư thế ngồi, tôi cũng thấy đàn Tranh của mình đẹp và nhẹ nhàng, rất hợp với tâm hồn, tình cảm của người Việt.”

Những ngón tay thon mảnh của Thủy lướt trên dây đàn, một thứ âm thanh mê hoặc lôi cuốn chính cả người chơi lẫn người nghe vào một thế giới khác- thế giới huyền diệu của âm nhạc dân tộc. Trong suốt 13 năm học Nhạc viện và 2 năm cao học, Thanh Thủy không chỉ học những kiến thức cơ bản từ nhà trường, với một niềm say mê hiếm thấy, em đã tìm đến học những nghệ nhân cao tuổi trong khắp cả nước: nghệ nhân Nguyễn Vĩnh Bảo, Nguyễn Cơ Thụy ở miền Nam, nghệ nhân Bích Ngọc ở Huế, nghệ nhân Trần Đại, Nguyễn Thế Thiệp ở ngoài Bắc. Đề tài luận văn thạc sĩ văn hóa dân gian của Thủy năm 2002 là “ Bảo tồn-kế thừa nghệ thuật biểu diễn cổ truyền trong dạy và học đàn Tranh”. Năm 1998, Nguyễn Thanh Thủyđoạt giải Nhất trong cuộc thi tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc ngay sau khitốt nghiệp Nhạc viện và giải dành cho người diễn tấu nhạc cổ truyền hay nhất. Hiện là giảng viên đàn Tranh khoa Nhạc cụ truyền thống Nhạc viện HN, Thủy vẫn dành nhiều tâm huyết và thời gian để đi sâu nghiên cứu cây đàn này trong dòng chảy của cổ nhạc. Con đường nghệ thuật của Thủy dường như đã được định sẵn ngay từ khi Thủy mới sinh ra. Quê ngoại Thủy ở làng quan họ Ngang Nội, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ông nội là kép chèo Nguyễn Đức Ngôn danh tiếng một thời. Mẹ là diễn viên Nhà hát Tuồng, bố là nghệ sĩ chèo sau là giảng viên môn Lịch sử sân khấu Thế giới ở trường Sân khấu Điện ảnh, anh trai là nhạc công NH Chèo. Dòng nước ngọt ngào của âm nhạc dân tộc đã ngấm vào cô gái trẻ này từ mỗi mạch máu, hơi thở cho đến vẻ tao nhã duyên dáng ở mỗi cử chỉ lời nói của cô. Thanh Thủy “bật mí” với tôi rằng cô đang thu một đĩa CD album cá nhân đầu tiên với một chương trình cổ nhạc độc tấu đàn Tranh. Đây sẽ là đĩa CD solo đầu tiên tôn vinh cây đàn Tranh Việt Nam mà nhiều thính giả yêu âm nhạc dân tộc đang mong đợi.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Thủy với cây đàn tranh Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.