(HNNN) - Istanbul là thành phố duy nhất nằm trên hai châu lục, nơi Á - Âu cách nhau chỉ một cây cầu. Thành phố toàn cầu này từng là “Thủ đô văn hóa châu Âu”, đứng đầu top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới... Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte từng nhận định: “Nếu thế giới này là một đất nước, Istanbul sẽ là thủ đô”.
Với diện tích 5.461km², dân số trên 15 triệu người, Istanbul là thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ và là một trong số các vùng đô thị lớn nhất châu Âu. Tuy không còn là thủ đô từ năm 1923 nhưng Istanbul vẫn được coi là “thủ đô lịch sử”, một trung tâm văn hóa, kinh tế và tài chính quan trọng của đất nước.
Lịch sử chính thức của Istanbul bắt đầu từ năm 660 (tr.CN). Từ năm 330 cho đến đầu thế kỷ XX, suốt 16 thế kỷ, Istanbul là kinh đô của đế quốc La Mã (330 - 395), đế quốc Byzantine (395 - 1204 và 1261 - 1453), đế quốc Latin (1204 - 1261), đế quốc Ottoman (1453 - 1922).
Từ đầu thế kỷ XIX, Istanbul trải qua nhiều lần cải cách chính trị và công nghệ. Đến những năm 1880, Istanbul được kết nối với mạng lưới đường sắt châu Âu, sau đó có hệ thống cung cấp nước, điện lưới, điện thoại, xe điện... cùng nhiều dịch vụ hiện đại.
Trong những năm 1980 - 1985, Istanbul mở rộng địa giới và dân số cũng gia tăng rất nhanh. Năm 1984, Istanbul trở thành thành phố tự trị. Từ năm 2004, Istanbul là thủ phủ của tỉnh Istanbul, do Khu tự trị Đô thị Istanbul quản lý.
Cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, mạng lưới giao thông thuận lợi đã thúc đẩy kinh tế Istanbul phát triển nhanh chóng. Sàn giao dịch chứng khoán ở Istanbul thành lập từ năm 1866, bị suy giảm do khủng hoảng những năm 1930 và được khôi phục đầu năm 1986, từ đó hoạt động rất tốt.
Nhờ tác động từ chuỗi các chương trình tự do hóa tài chính của chính phủ, từ những năm 1990 Istanbul trở thành “thỏi nam châm” thu hút hầu hết các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ tới đặt trụ sở. Kinh tế Istanbul nổi tiếng là một nền kinh tế công nghiệp đa dạng, tập trung vào các hoạt động có giá trị gia tăng cao, sản xuất nhiều loại hàng hóa như đồ điện tử, dầu ô liu, thuốc lá...
Các công ty ở Istanbul luôn chiếm khoảng 60% tổng giá trị xuất, nhập khẩu của quốc gia. Sử dụng gần 30% lực lượng lao động công nghiệp của cả nước, Istanbul đóng góp hơn 1/4 giá trị cho thu nhập quốc dân GDP và 2/5 thu nhập thuế của của Thổ Nhĩ Kỳ. Năng suất lao động ở Istanbul cao hơn mức trung bình toàn quốc khoảng 50%, còn GDP bình quân đầu người cao hơn mức trung bình toàn quốc khoảng 70%.
Là một trong các thành phố có mức tăng trưởng về kinh tế và hạ tầng nhanh nhất thế giới, Istanbul trở thành thành phố toàn cầu và hiện ở hạng Alpha, thành phố kết nối lớn với kinh tế thế giới.
Istanbul đã lấy nhận định của cố Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte làm slogan của ngành du lịch: “Nếu thế giới này là một đất nước, Istanbul sẽ là thủ đô”. Istanbul là cổng giao lưu quốc tế lớn, một điểm đến du lịch ngày càng phổ biến và luôn chiếm khoảng 1/4 lượng du khách nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ.
“Đặc sản” của Istanbul là khu phố lịch sử được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới, là 70 bảo tàng, 17 cung điện, 64 thánh đường Hồi giáo, 49 nhà thờ... Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 2,4 triệu người nước ngoài đến đây thì đến năm 2010 - năm Istanbul được chọn là “Thủ đô văn hóa châu Âu”, thành phố đã đón 7 triệu du khách nước ngoài và lọt vào top 10 điểm đến du lịch thu hút khách nhiều nhất thế giới.
Năm 2015, Istanbul đón hơn 12,5 triệu du khách nước ngoài và lọt vào top 5 thành phố “ăn khách” nhất thế giới. Istanbul còn phát triển rất mạnh mảng du lịch y tế dựa vào chất lượng chăm sóc sức khỏe, nhất là trong các bệnh viện tư, góp phần thúc đẩy công nghiệp du lịch tăng trưởng nhanh.
Một trong những nguyên nhân làm nên thành công của Istanbul là chất lượng giáo dục. Istanbul hiện có gần 4.500 trường phổ thông, khoảng một nửa trong số đó là các trường Tiểu học. Hệ Trung học có những trường trung học công lập cao cấp đặt trọng tâm vào giảng dạy bằng ngoại ngữ (Pháp, Anh, Đức); những trường trung học dành riêng cho người nước ngoài; trường quân sự; trường dạy miễn phí cho trẻ em mồ côi.
Thành phố có 8 trường đại học công lập, lâu đời nhất là Trường Đại học Istanbul thành lập từ năm 1453. Các trường tư cũng phát triển mạnh với trên 50 trường đại học. Chất lượng cao của nguồn nhân lực đã góp phần thúc đẩy kinh tế và nâng cao đời sống. Trong 10 năm qua, thu nhập bình quân của người dân ở đây đã tăng gấp ba lần.
Trên con đường phát triển của quốc gia theo kế hoạch tham vọng đến năm 2050, Istanbul cũng có chiến lược của riêng mình. Theo dự báo của Ngân hàng HSBC về các nước sẽ giàu nhất thế giới vào năm 2050, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nằm trong top 15 và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Âu. Động lực chính của kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đến từ tăng trưởng dân số và thế mạnh là vai trò “cầu nối” năng lượng của EU.
Trong bối cảnh ấy, thành phố liên lục địa Istanbul đang triển khai một dự án lớn là sân bay mới Istanbul, dự kiến hoàn thành vào năm 2027, trở thành sân bay lớn nhất thế giới, có khả năng đón 200 triệu hành khách/năm.
Theo Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Turhan, đó không chỉ là sự kiện mang tính lịch sử của ngành hàng không mà còn của thành phố và cả nước, thể hiện quyết tâm vươn lên hàng đầu thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tất nhiên, mọi việc không hoàn toàn dễ dàng và Istanbul đang nỗ lực khắc phục nhiều vấn đề như mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, để việc xây dựng các công trình mới, dù làm biến đổi cấu trúc đô thị nhưng ít gây tổn hại các di sản văn hóa. Hay việc đáp ứng nhu cầu việc làm và đời sống khi dân số vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Ngoài ra còn là việc tìm giải pháp tăng năng lực quản lý vùng đô thị Istanbul rộng lớn và đông đúc... Trong một đất nước hấp dẫn nhưng cũng còn không ít bất ổn, Istanbul được coi là tâm điểm của sự đoàn kết các lực lượng.
Tổng thống Erdogan từng nhận định: “Bất cứ ai kiểm soát Istanbul cũng sẽ kiểm soát được Thổ Nhĩ Kỳ” và sứ mệnh này hiện được trao cho Thị trưởng mới - ông Ekrem Imamoglu - người cam kết hợp tác với các bên để “mọi chuyện sẽ tốt đẹp” với thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.