Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống

Nam Trung| 04/01/2023 07:07

(HNM) - Thời gian qua, nhiều cấp, ngành, đơn vị tại thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào thực tiễn, giúp giải quyết nhanh công việc và tạo thuận lợi cho người dân. Thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh ứng dụng này nhằm cải thiện năng suất trong những lĩnh vực trọng điểm...

Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân để phân loại, đánh giá và giải quyết kịp thời.

Nhiều kết quả khả quan

Thạc sĩ Nguyễn Tiến Đồng, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC (Tập đoàn CMC) giới thiệu với chúng tôi ứng dụng AI trong vận hành phần mềm số hóa văn bản, hiện đang được nhiều cơ quan tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai thực hiện.

Theo đó, chỉ cần cài phần mềm trên điện thoại di động hoặc máy in, máy scan… chụp hoặc quét các dạng tài liệu, văn bản, kể cả văn bản viết tay, biểu mẫu, hồ sơ sẽ có ngay hồ sơ lưu dạng file ảnh OCR dùng trong lưu trữ, tiện quản lý và trích xuất khi cần.

“Với văn bản chữ viết tay, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ học máy với 10.000 dạng ký tự viết khác nhau của người Việt để AI giúp phần mềm nhận diện chính xác 95% các loại, kiểu chữ viết. Ứng dụng số hóa văn bản này giúp giảm 50% khối lượng công việc của nhân viên văn phòng so với trước đây. Ngoài ra, vừa giúp trích xuất dữ liệu bằng file ảnh, vừa có thể trích xuất từng dạng văn bản theo từng mục, từng đoạn…”, thạc sĩ Nguyễn Tiến Đồng cho biết.

Từ tháng 8-2022, thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm triển khai ứng dụng AI trong Hệ thống giám sát xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân theo thời gian thực. Cụ thể, khi người dân gọi điện hoặc gửi các phản ánh về những vấn đề gặp phải thông qua các nhánh của tổng đài 1022, hệ thống tiếp nhận dùng AI phân loại lĩnh vực, mức độ thông tin rồi chuyển thành biểu đồ dạng nhiệt (hiện màu theo từng loại thông tin) và bản đồ số (phân tích dạng biểu đồ). Lãnh đạo thành phố và các sở, ngành có thể căn cứ thông tin này để chỉ đạo cơ quan chuyên môn xử lý vấn đề đang nổi cộm, vấn đề “nóng”.

Đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, Trưởng Công an thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin, đơn vị đã sử dụng hệ thống 20 camera an ninh thông minh có tích hợp AI. Những camera thông minh này có khả năng cảnh báo, tìm kiếm biển số xe theo thời gian thực, có chức năng giám sát, phát hiện biển số và truy vết trên bản đồ số... Ngay trong thời gian thử nghiệm, hệ thống này đã giúp phát hiện 6 vụ tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội; hỗ trợ cơ quan công an tạm giữ 38 đối tượng để làm rõ hành vi phạm tội.

Đẩy mạnh ứng dụng vào thực tiễn

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố chọn chủ đề công tác năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”. Để thực hiện tốt chủ đề này, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền số; trong đó, đẩy mạnh ứng dụng AI là một trong những ưu tiên.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, trong năm 2023, Sở sẽ phối hợp cùng các bên liên quan tập trung thực hiện 10 nội dung ứng dụng AI vào thực tiễn như: Ứng dụng AI trong việc hỗ trợ lập kế hoạch và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; ứng dụng AI trong quản lý hồ sơ văn bản như nhận dạng, bóc tách dữ liệu, giảm thời gian nhập liệu; ứng dụng AI xác định và dự báo giá trị đất theo thị trường; ứng dụng AI quản lý rác thải, mô phỏng dự báo lượng rác thải dưới tác động của tăng dân số, đô thị hóa... Về những vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhận định, AI có thể hỗ trợ cán bộ đối chiếu văn bản, rà soát, đối chiếu hồ sơ và tra lại các văn bản pháp lý dễ dàng hơn.

Thành phố cũng đặt hàng triển khai ứng dụng AI trong hệ thống giám sát đường sắt đô thị; dự đoán nhu cầu khách sử dụng metro, dự báo nhu cầu di chuyển; lập các mô hình dự báo giao thông, phân tích hành vi giao thông, tối ưu hóa giao thông; dùng AI dự báo khả năng lan truyền dịch bệnh trên dữ liệu GIS và các yếu tố dịch tễ; ứng dụng AI hỗ trợ lãnh đạo trong việc xử lý văn bản hành chính; ứng dụng chatbot hỗ trợ người dân khi gọi đến tổng đài 1022…

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đầu tư, đào tạo đội ngũ nhân lực, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế gắn kết cơ quan quản lý nhà nước với nhà nghiên cứu và doanh nghiệp để nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo; cung cấp nguồn lực về tài chính để các đơn vị ứng dụng AI đúng trọng tâm vào những lĩnh vực mà thành phố đang cần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.