Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Thúc đẩy phát triển giao thông thông minh

Bài, ảnh: Gia Bảo| 24/05/2019 07:28

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực thực hiện đề án “Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025” và bước đầu đã có hiệu quả nhất định.


Hỗ trợ người tham gia giao thông

Vừa mở màn hình điện thoại thông minh, anh Nguyễn Tiến Long (ngụ tại đường 42, phường Bình Trưng Tây, quận 2) truy cập ngay vào trang web http://giaothong.hochiminhcity.gov.vn để xem tình hình giao thông trên lộ trình sắp di chuyển. Vào mục bản đồ để truy cập hệ thống camera giám sát tại các nút giao thông, anh Long sẽ biết rõ hiện trạng giao thông, mật độ xe cộ tham gia giao thông tại các nút giao thông này. Trong trường hợp một trong các nút giao thông trên bị ùn tắc, anh sẽ chủ động lựa chọn lộ trình di chuyển khác. “Cổng thông tin giao thông thành phố còn có App để người dân tham gia giao thông tải về dùng trên nền tảng điện thoại thông minh nên rất thuận tiện”, anh Long cho biết.

Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông thông minh thành phố Hồ Chí Minh.


Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị quản lý và vận hành Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông thông minh), Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông thông minh đã được đưa vào hoạt động giai đoạn 1 (trước Tết Nguyên đán năm 2019) nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cho một đô thị thông minh của thành phố. Hiện trung tâm này có 4 chức năng chính gồm: Giám sát giao thông, điều khiển giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ phối hợp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi thành phố.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đoàn Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết, đối với chức năng giám sát giao thông dự trên sự kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của 762 camera giám sát giao thông với các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý địa phương, cộng với tích hợp giám sát giao thông trên hệ thống 63 màn hình có độ phân giải cao đặt tại Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Còn chức năng điều khiển giao thông được vận hành nhờ sự kết nối với 216 tủ điều khiển tín hiệu giao thông trên 78 tuyến đường chính ở các quận trung tâm và 28 nút giao thông trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống. Trong khi, chức năng cung cấp thông tin giao thông được thực hiện thông qua 70 bảng thông tin giao thông điện tử đặt ở các tuyến đường và nút giao thông chính nhằm hỗ trợ người dân tham gia giao thông.

Điều đáng nói, chức năng phối hợp, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được thực hiện thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, với 9 điểm kiểm soát tốc độ tự động và 6 điểm kiểm soát tải trọng phương tiện... Tất cả đều được ghi nhận và chia sẻ cho lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông để phối hợp xử lý các phương tiện vi phạm.

Hoàn chỉnh hệ thống điều hành

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông thông minh, Sở cũng lần lượt đưa vào vận hành một loạt ứng dụng phần mềm theo hướng tăng sự tương tác với người dân thành phố như phần mềm thông tin xử lý hạ tầng kỹ thuật. Nhờ đó, người dân có thể chụp ảnh và gửi tin phản ánh các sự cố hạ tầng... Tất cả những nỗ lực trên của chính quyền, sở, ngành thành phố không chỉ cung cấp các kênh thông tin giao thông tương tác hiệu quả cao cho người dân mà còn đặt nền móng phục vụ cho quá trình xây dựng hệ thống giao thông thông minh, đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh trong giai đoạn tới.

Theo đó, dự kiến sau năm 2020, trong giai đoạn 2, thành phố sẽ thực hiện hoàn thành Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (ITS) với quy mô toàn thành phố, có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Khi đó, trung tâm này sẽ quản lý trực tiếp toàn bộ hệ thống điều khiển giao thông cũng như cung cấp thông tin dữ liệu, phục vụ cho việc xử lý các vi phạm; giám sát, bảo đảm an ninh trật tự đô thị; xử lý các sự cố khẩn cấp; phòng chống cháy nổ, ngập lụt; quản lý bến bãi... ITS giúp giảm đáng kể lực lượng chức năng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông. Cơ quan quản lý giao thông và Cảnh sát giao thông chỉ cần can thiệp trong những tình huống giao thông bất thường.

Sở Giao thông - Vận tải thành phố cũng đã đưa ra lộ trình phát triển Trung tâm Điều hành giao thông thông minh sau năm 2020, với 10 chức năng gồm: Giám sát giao thông; điều khiển giao thông; cung cấp thông tin giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; giám sát và điều hành hệ thống giao thông công cộng; tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử; quản lý nhu cầu giao thông; quản lý vận tải hàng hóa; chia sẻ thông tin theo yêu cầu và quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Thúc đẩy phát triển giao thông thông minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.