(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng và lợi thế để đưa ngành Du lịch phát triển theo hướng toàn diện và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, hiện hạ tầng du lịch của thành phố phát triển còn thiếu đồng bộ, chưa phát huy hết lợi thế sẵn có nên đã phần nào kìm hãm mục tiêu nói trên. Trước tình hình này, thành phố đang đề ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn để đưa ngành Du lịch thành phố “cất cánh”.
Chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang sở hữu nguồn tài nguyên du lịch, văn hóa đa dạng, phong phú gồm hơn 200 tài nguyên văn hóa vật thể, hơn 100 tài nguyên nhân tạo, hệ thống bảo tàng, di tích lịch sử… Nhiều điểm đến hấp dẫn du khách như: Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Công viên văn hóa Đầm Sen, Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, Dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà…
Ngoài ra, với lợi thế có khoảng 1.000km đường sông và mạng lưới giao thông thủy với hơn 110 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng đường thủy nội địa và hàng hải, thành phố còn là đô thị giàu tiềm năng khai thác, phát triển du lịch đường sông. Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch đường sông khoảng 20%; doanh thu tăng 30% mỗi năm.
Thế nhưng, kết quả chung của ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa đạt kỳ vọng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Vietravel, hiện thành phố có quá nhiều sản phẩm nhưng không biết chọn cái nào, đẩy cái nào lên vì không có điểm nhấn. Đáng chú ý, du lịch đường sông luôn được xác định là mũi nhọn nhưng các nhà đầu tư vào đây luôn e ngại vì còn thiếu nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm du lịch đường sông phát triển.
Về hạ tầng kết nối giao thông, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tính kết nối hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc đi lại. Đơn cử, tại các tuyến đường thủy nội địa chưa được kết nối xuyên suốt với đường bộ, hệ thống bến thủy nội địa vừa thiếu, vừa yếu, ảnh hưởng đến việc phát triển của vận tải hành khách công cộng. Chưa kể, nhiều cây cầu trên các tuyến kênh, con sông không đạt về chiều cao tĩnh không thông thuyền, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển du lịch đường thủy.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 9 tháng năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh có tổng doanh thu từ du lịch đạt 108.300 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Điều đó chứng tỏ nếu ngành Du lịch thành phố chủ động đưa ra nhiều cách làm sáng tạo và đột phá thì việc đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sẽ là tương lai gần.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất, muốn tạo đột phá thì phải có chính sách phù hợp, trong đó, bản thân ngành Du lịch cần thay đổi tư duy, cách nhìn và tiếp cận từ hai phía. Chính quyền thành phố phải có quy hoạch mới, kế hoạch phát triển cho du lịch, bởi hiện quy hoạch đã bị lạc hậu. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, đẳng cấp để thu hút khách nhiều hơn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt nhìn nhận, thành phố cần tăng thêm giá trị sản phẩm bằng tinh thần và thái độ phục vụ thân thiện, chuyên nghiệp. Thành phố cũng cần có sản phẩm mới, phù hợp để kéo dài thời gian lưu trú và tham quan của du khách.
Đồng thời, tập trung phát triển du lịch cộng đồng với các homestay theo quy chuẩn mới; kết nối trung tâm thành phố với các huyện Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp truyền thống, làng nghề, văn hóa, lịch sử.
"Đặc biệt, một thành phố du lịch không thể thiếu "du lịch đêm". Để du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, quy hoạch du lịch không thể thiếu phát triển kinh tế đêm, bởi thực tế kinh tế "du lịch đêm" đang là mỏ vàng đối với ngành Du lịch các nước có nền du lịch phát triển như Singapore, Thái Lan…", ông Nguyễn Văn Mỹ chia sẻ.
Nhìn ở khía cạnh liên kết vùng du lịch, bà Võ Ngọc Điệp, Phó trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, tính liên kết vùng trong quá trình phát triển các sản phẩm du lịch rất quan trọng, bởi sẽ đa dạng hóa và phát huy tiềm năng du lịch của các địa phương. Ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam sẽ chú trọng hơn điều này trong thời gian tới.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, để kích thích và tăng tỷ trọng đóng góp của ngành Du lịch, việc tổ chức chương trình kích cầu du lịch sẽ được nhân rộng và trở thành hoạt động thường niên của ngành Du lịch thành phố. Trong đó sẽ đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm du lịch, xây dựng chiến lược tuyên truyền, quảng bá và chương trình kích cầu du lịch.
“Các giải pháp đồng bộ được triển khai sẽ đưa ngành Du lịch thành phố phát triển đúng với vị thế, vai trò của một thành phố lớn của cả nước, đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố tương lai gần”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.