(HNMO) - Trước những diễn biến nhanh, phức tạp của sự lây lan vi rút corona (2019-nCoV), các ban, ngành chức năng thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp đồng bộ chống lây nhiễm và chuẩn bị mọi phương án cách ly, chữa trị cho các bệnh nhân khi phát hiện nhiễm loại vi rút này.
Ngành Y tế sẵn sàng
Tính đến ngày 31-1-2020, tại thành phố Hồ Chí Minh đã có 2 trường hợp cha con người Trung Quốc dương tính với vi rút 2019-nCoV, được cách ly và chữa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện người con (sinh năm 1992) đã hết nhiễm vi rút này, còn người bố (sinh năm 1954) vẫn đang được điều trị tích cực và có diễn tiến tốt.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, nhận định, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có nguy cơ lan rộng. Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến của nhiều khách du lịch. Quán triệt nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của ngành Y tế thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp.
Theo đó, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường giám sát tại sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện tờ khai y tế với những hành khách đến từ vùng dịch. Khi phát hiện có bất thường thì cách ly hành khách, đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để điều trị theo quy trình Bộ Y tế quy định. Nếu triệu chứng chưa rõ ràng, báo lại cơ quan y tế địa phương nơi khách đến hoặc tạm trú để giám sát trong 14 ngày.
Các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng thành phố, Nhi đồng 2 có trách nhiệm tiếp nhận bệnh nhân nhiễm vi rút, triển khai các khu cách ly điều trị đúng quy định. Các mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur để xét nghiệm, kết luận. Mỗi bệnh viện này thành lập 2 Đội cơ động phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó với tình hình. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tham mưu thành lập 2 Đội phản ứng nhanh cấp thành phố và 24 Đội phản ứng nhanh ở quận, huyện.
Ngành Giáo dục chủ động
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam cho biết, từ ngày 30-1, Sở đã có văn bản do Phó Giám đốc Sở Bùi Thị Diễm Thu ký ban hành, chỉ đạo các trường học tăng cường công tác vệ sinh sau kỳ nghỉ Tết (kéo dài 14 ngày) trước khi đón học sinh đi học trở lại. Ban Giám hiệu các trường học tổ chức giám sát, đồng thời tăng cường tuyên truyền để học sinh hiểu và nắm rõ quy trình phòng chống lây nhiễm vi rút 2019-nCoV.
Một số trường đã chủ động thực hiện công việc này. Tại Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, để chuẩn bị đón sinh viên trở lại trường vào ngày 3-2-2020, Ban Giám hiệu đã chuẩn bị thiết bị đo thân nhiệt cho sinh viên. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: Ở các khu vực công cộng, nhà trường chuẩn bị sẵn xà phòng rửa tay, cồn sát khuẩn. Nhà trường cũng tổ chức các đội tuyên truyền để truyền thông về dịch bệnh cũng như cách phòng tránh.
Người dân không chủ quan, chủ động phòng chống
Từ ngày 1-2-2020, người dân sẽ trở lại thành phố Hồ Chí Minh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý. Đây cũng chính là thời điểm dịch bệnh dễ lây lan. Nhiều người dân thành phố đã chủ động phòng chống bệnh cho bản thân và gia đình. Tại sân bay, nhà ga, bến xe hay trong các nhà hàng, các nhân viên đều đeo khẩu trang phòng dịch. Ngoài đường, số người đeo khẩu trang tham gia giao thông ngày càng nhiều.
Anh Nguyễn Minh Quân ở phường Tân Phong (quận 7) cho biết, đã mua đủ cho 4 thành viên trong gia đình những chiếc khẩu trang để phòng chống. Còn chị Nguyễn Minh Thúy ở đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) cho biết: Trong những ngày nghỉ tết, gia đình liên tục cập nhật tình hình và trang bị thêm kiến thức phòng tránh vi rút 2019-nCoV cho 2 con gái đang học lớp 6 và lớp 9 Trường Nguyễn Hữu Thọ. “Tôi quan tâm, song cũng không hoang mang về dịch bệnh này, vì đã biết cách phòng tránh”, chị Thúy cho biết.
Các sở, ban, ngành, chủ động vào cuộc
Ngày 31-1-2020, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố chủ động phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (2019-nCoV) gây ra.
Cụ thể, UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế thành phố hướng dẫn các quận, huyện triển khai thực hiện tốt việc giám sát người nhập cảnh từ các vùng có dịch tại các cửa khẩu; phòng, chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, không để xảy ra các trường hợp người bệnh và cán bộ y tế lây nhiễm dịch bệnh này; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị cách ly bệnh nhân, trang thiết bị y tế khám chữa bệnh, thuốc, hóa chất phòng chống dịch, chẩn đoán, điều trị cho người mắc bệnh.
Bên cạnh đó, thực hiện theo đúng quy trình, phác đồ điều trị bệnh nhân do Bộ Y tế ban hành, hạn chế thấp nhất tử vong; phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện của bộ, ngành tại thành phố sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân điều trị khi có yêu cầu; tăng cường công tác truyền thông giáo dục người dân có đủ kiến thức, hiểu biết về bệnh, phòng ngừa nhiễm bệnh, biện pháp xử lý khi có dấu hiệu bị cúm; tổ chức cách ly và quản lý người lao động, làm việc tại các khu chế xuất và khu công nghiệp khi phát hiện trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh.
Ngoài ra, chuẩn bị đầy đủ khẩu trang y tế, nước rửa tay kháng khuẩn để người dân được dễ dàng mua sử dụng; quần áo bảo hộ, khẩu trang N95 cho nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch và trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Sở Du lịch yêu cầu các công ty du lịch hủy các tour, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang lây lan 2019-nCoV ở Trung Quốc, một số quốc gia trên thế giới có người nhiễm đã được WHO công bố và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến thành phố;
Cần theo dõi chặt chẽ lịch trình, tình hình sức khỏe và khuyến nghị hạn chế di chuyển du khách Trung Quốc đang lưu trú tại thành phố; tổ chức cách ly, quản lý du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm 2019-nCoV.
Công an thành phố Hồ Chí Minh được giao xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình lây lan 2019-nCoV, gây hoang mang trong cộng đồng;
Bộ Tư lệnh thành phố sẽ triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp 2019-nCoV lan rộng; triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh trong các đơn vị quân đội trên địa bàn;
Sở Giao thông - Vận tải cần chuẩn bị các phương án điều phối giao thông trong thành phố phù hợp với các tình huống thực tế xảy ra tại thành phố;
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không tổ chức đưa lao động là người thành phố đến các khu vực đang có dịch bệnh 2019-nCoV;
Sở Công Thương cần kiểm soát chặt chẽ không để lợi dụng tình hình dịch để tăng giá các mặt hàng nói trên, gây bức xúc trong dư luận xã hội;
Sở Thông tin và Truyền thông cần kịp thời thông tin đến các báo, đài thành phố về tình hình lây nhiễm 2019-nCoV để người dân không hoang mang, lo lắng quá mức và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả.
Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh phổ biến thông tin về tình hình dịch, các biện pháp phòng, chống 2019-nCoV tới học sinh, sinh viên trên toàn thành phố; có trách nhiệm tham gia các hoạt động phòng, chống dịch khi có yêu cầu của ngành Y tế; hướng dẫn học sinh, sinh viên đeo khẩu trang y tế ở những nơi đông người.
Sở Văn hóa và Thể thao hạn chế tổ chức các hoạt động lễ hội, ca nhạc, thể dục thể thao... tụ tập đông người trên địa bàn.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện cần phối hợp với ngành Y tế sẵn sàng ứng phó với các tình huống phòng, chống dịch tại địa phương và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống 2019-nCoV trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.