(HNM) - Nhằm giải bài toán thiếu nhà ở cho người dân, thành phố Hồ Chí Minh chủ động đưa ra nhiều giải pháp đột phá khắc phục những tồn tại, bất cập. Theo đó, trong năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát triển thêm 6,6 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân lên 21,2m2/người.
Nhiều kỳ vọng trong năm mới
Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng đến hết năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển thêm 4,4 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở trên địa bàn thành phố lên hơn 195 triệu m2, bình quân 20,65m2/người. Theo kế hoạch năm 2022, thành phố phấn đấu phát triển thêm 6,6 triệu m2 diện tích sàn xây dựng nhà ở và nâng diện tích nhà ở bình quân lên 21,2m2/người. Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân cho biết, mục tiêu này hoàn toàn khả thi bởi trong năm 2021, Sở đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 20 dự án, với tổng số 14.443 căn nhà, tổng diện tích sàn hơn 1 triệu m2.
Các địa phương của thành phố Hồ Chí Minh đã sớm triển khai thực hiện kế hoạch trên. Mới đây, tại thành phố Thủ Đức, Công ty cổ phần Thủ Thiêm Group đã khởi công dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô 1.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sinh sống cho hơn 3.000 người. Tương tự, các quận, huyện như: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, quận 7… cũng đang gấp rút rà soát quỹ đất để triển khai dự án xây dựng căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội cho người lao động.
Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Bảo đánh giá, việc thành phố quyết tâm thực hiện các mục tiêu về nhà ở trong năm 2022 sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển toàn diện. Còn chị Nguyễn Thị Thủy Hương (ngụ đường số 1, phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức) chia sẻ: "Gia đình tôi đã cùng với người dân thành phố vượt qua năm 2021 đầy khó khăn. Bước sang năm 2022, với những tín hiệu tích cực từ thị trường nhà ở, vợ chồng tôi kỳ vọng sẽ sớm thực hiện được giấc mơ mua một căn hộ để an cư và lạc nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh".
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, cần khắc phục sớm những vướng mắc có thể ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện tăng diện tích nhà ở của thành phố trong năm 2022. Một trong số đó là sự chưa khớp nối giữa quy định của Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai... khiến cho nhiều dự án chưa thể triển khai, giảm mạnh nguồn cung những năm qua. Theo thống kê của HoREA, toàn thành phố hiện có 126 dự án nhà ở đang bị ách tắc với nhiều lý do khác nhau…
Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Sea Holdings Trần Hiền Phương, thời gian qua, doanh nghiệp bất động sản bị “trói” bởi quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư khi nhà đầu tư phải “có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở” mới được triển khai thực hiện dự án, quy định này cũng được nêu tại Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở. Việc này khiến nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng chưa phải là đất ở tất cả hoặc một phần, cũng không được chấp thuận là chủ đầu tư.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật trong đó có sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở). Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung này là rất cần thiết để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Xây dựng rà soát, báo cáo UBND thành phố xem xét, phê duyệt việc cập nhật, bổ sung các dự án nhà ở vào danh mục theo kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm; giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan cùng các quận, huyện và thành phố Thủ Đức rà soát lại quỹ đất đã giao cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn của chủ đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng (nếu có) để đẩy nhanh xây dựng các dự án.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình chỉ đạo: "Các sở, ngành liên quan chủ động phối hợp với các địa phương rà soát quỹ đất công dôi dư sử dụng không đúng mục đích để xây dựng nhà ở phục vụ bố trí di dời người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; khu dân cư mật độ cao, điều kiện sống thấp, sớm hoàn thành mục tiêu tăng diện tích nhà ở và chỉnh trang đô thị".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.