(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được lựa chọn bao gồm: Rau, cây cảnh, bò sữa, lợn, tôm nước lợ, cá cảnh. Tuy nhiên, nhóm sản phẩm này đang gặp khó khăn về đầu ra.
Vẫn khó tìm đầu ra
Năng suất, sản lượng nhóm nông sản chủ lực của thành phố Hồ Chí Minh đang có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn thành phố ước đạt 4.843 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ 2018. Giá trị sản xuất tăng là dấu hiệu đáng mừng cho nông dân, tuy nhiên, sức tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực vẫn còn hạn chế.
Nông sản chủ lực của thành phố Hồ Chí Minh được tiêu thụ tại chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Bình Điền. |
Hiện nay, kênh thu mua rau quả qua thương lái chiếm tỷ lệ 42,2%, thu mua qua hợp tác xã, doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 27,3%, thu mua qua chợ đầu mối là 19,1% và chỉ có 10,4% được mua bán tại chợ bán lẻ. Ông Nguyễn Nhật Trường, Trưởng bộ phận thu mua nông sản Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, tính đến năm 2019 mới có hơn 17 hợp đồng thương mại giữa Saigon Co.op ký với các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn. Hợp tác xã hay các trang trại muốn cung ứng hàng cho siêu thị phải đáp ứng nguồn hàng ổn định vào mùa mưa.
Trên thực tế, tuy thành phố đang có chính sách ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng quỹ đất canh tác ít, chủ yếu là các nông hộ nhỏ lẻ với chi phí đầu tư cho việc canh tác lớn.
Bà Trần Thị Lan, ngụ tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi cho biết: “Gia đình tôi từng nuôi 70 con bò sữa, song do giá sữa thấp nên tôi chỉ để lại 20 con. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ nuôi bò khác tại Củ Chi đã phải ngừng nuôi số lượng lớn vì đầu ra khó khăn, giá thức ăn, công lao động cao nhưng giá thu mua sữa lại thấp".
Vì vậy, những nông dân như bà Lan đang mong Nhà nước hỗ trợ vực lại đàn bò, giúp tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo. Nếu được hỗ trợ tiêu thụ sữa thì bà con sẽ mạnh dạn đổi mới giống bò cho chất lượng và sản lượng sữa cao hơn.
Tương tự, ông Trần Tiến Cảnh, nông dân nuôi tôm ở xã Tân Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ cho biết: “Chúng tôi nuôi tôm chủ yếu bán qua thương lái cho chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền nên luôn bị ép giá, vì vậy rất mong thành phố hỗ trợ nông dân bán tôm cho các siêu thị để có giá tốt và đầu ra ổn định hơn”.
Liên kết để phát triển
Có thể nói, phát triển nông sản chủ lực là hướng đi tốt, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, nhiều doanh nghiệp đơn vị bán lẻ trên địa bàn được thành phố vận động tạo điều kiện cho nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nhật Trường (Saigon Co.op), cần có sự liên kết với các vùng trồng để xác định khả năng tiêu thụ của thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp; tránh tình trạng sản xuất ồ ạt dẫn đến “được mùa mất giá” gây thiệt hại cho các hợp tác xã, hộ nông dân; đồng thời đầu tư máy móc thiết bị, nhân sự, kỹ thuật phục vụ đóng gói sản phẩm và sơ chế.
“Thời gian tới, chúng tôi sẵn sàng tăng cường ký kết hợp đồng thu mua nông sản của nông dân thông qua các hợp tác xã nông nghiệp. Tuy nhiên, các hợp tác xã cần bảo đảm nguồn hàng, áp dụng kỹ thuật công nghệ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch” ông Trường cho hay.
Nhằm hỗ trợ nông dân, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đã và đang tạo ra cầu nối liên kết các nhà sản xuất với các kênh phân phối lớn có uy tín trong nước như Satra, Saigon Co.op và đã hỗ trợ đưa sản phẩm vào các siêu thị bán lẻ như Aeon (Nhật Bản), Lotte, Emart (Hàn Quốc), Big C (Thái Lan), Auchan (Pháp)... Nhờ đó, kênh phân phối qua siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng dần để giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản”.
Còn ông Đoàn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường các lớp tập huấn cho nông dân; tổ chức liên kết các nông hộ và tổ hợp tác để tiêu thụ sản phẩm. Lớp tập huấn với 100 nông dân/lớp dành cho thành viên của Hội Nông dân thành phố và các quận, huyện...”.
Để đẩy mạnh phát triển nhóm nông sản chủ lực, tập trung sản xuất theo hướng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho nông dân. Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản chủ lực; khuyến khích nông dân liên kết, phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, chúng tôi đang triển khai chính sách hỗ trợ về vốn, tín dụng, xúc tiến thương mại cho ngành Nông nghiệp. Nông dân sẽ được vay vốn lãi suất thấp để phục vụ cho mục đích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng chuồng trại”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.