Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng hiệu quả hệ thống cảng nội địa

Hà Phạm| 25/10/2021 07:45

(HNM) - Mạng lưới cảng thủy nội địa đang là kênh trung chuyển hàng hóa chủ lực đến cảng biển tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, thành phố đã có chủ trương đầu tư hoàn thiện hệ thống cảng thủy nội địa, qua đó tiếp tục nâng cao hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh cũng như khu vực phía Nam trong thời gian tới.

Tàu vận chuyển hàng hóa từ Cảng thủy nội địa Terminal Cát Lái Giang Nam đi Cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Phạm Hà

Kênh trung chuyển hàng hóa chủ lực

Theo Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có 6 cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng container (còn gọi là cảng cạn ICD) đang hoạt động. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2020 là 30%/năm.

Trong đó, tại cụm cảng Trường Thọ (gồm 5 cảng cạn ICD: Tracomexco - Phước Long 3, Transimex, Tây Nam - Tanamexco, Phúc Long và Sotrans - thành phố Thủ Đức), hoạt động giao nhận hàng hóa luôn diễn ra sôi động. Cụm cảng này là trung tâm kết nối hàng hóa với Cảng Cát Lái và Cái Mép - Thị Vải, là cụm cảng thủy nội địa lớn nhất Việt Nam. Tương tự, Cảng thủy nội địa Terminal Cát Lái Giang Nam (hoạt động trong Cảng Cát Lái), với diện tích bãi container gần 30ha, cầu cảng dài gần 200m, đáp ứng cho tàu có tải trọng 2.200 tấn hoạt động hiệu quả…

Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, hệ thống cảng thủy nội địa là một mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức, hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống cảng biển thành phố. Những cảng này có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến và có khả năng thực hiện tích hợp nhiều dịch vụ logistics trọn gói; không chỉ là điểm thông quan, mà còn cung cấp các dịch vụ liên quan đến logistics và quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua các cảng thủy nội địa là kênh trung chuyển hàng hóa chủ lực, góp phần giảm tải giao thông vận tải hàng hóa bằng đường bộ, giảm chi phí vận chuyển, qua đó giúp giảm giá thành sản phẩm.       

Đầu tư hoàn thiện hệ thống cảng thủy nội địa

Với hiệu quả đã được khẳng định, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng thành phố Hồ Chí Minh Hà Ngọc Trường cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh nâng cấp số lượng và chất lượng các cảng thủy nội địa nhằm phát huy tối đa năng lực vận chuyển hàng hóa.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, triển khai Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030, thời gian tới, thành phố phát triển hệ thống cảng thủy nội địa với 5 dự án, gồm: Xây dựng mới cụm cảng trung chuyển - ICD Long Bình, diện tích 50ha, 1,2km cầu cảng, vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng; cảng Khu công nghệ cao, diện tích 6ha, vốn đầu tư 720 tỷ đồng; cảng khu vực Củ Chi, diện tích 17ha, vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng. Đồng thời, nâng cấp mở rộng bến cảng Khu công nghiệp Cát Lái, diện tích 66ha, cầu cảng 1km, vốn đầu tư 7.900 tỷ đồng; mở rộng Cảng thủy nội địa Phú Định, vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng.

Đặc biệt, trước tình trạng quá tải hàng hóa tại cụm cảng Trường Thọ, thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch di dời cụm cảng này, sớm nhất vào năm 2022, đến vị trí phù hợp hơn. Cùng với đó, xây dựng cụm cảng trung chuyển ICD Long Bình tại thành phố Thủ Đức để duy trì số lượng cảng nội địa hiện có. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo UBND thành phố Thủ Đức, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành chức năng thực hiện các thủ tục liên quan để triển khai dự án. ICD Long Bình sẽ là trung tâm tiếp nhận, lưu trữ, phân phối hàng hóa..., phục vụ các cảng biển khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và các khu công nghiệp vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Về nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng mới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình thông tin, kinh phí thực hiện sẽ được huy động từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, cùng các nguồn hợp pháp khác.

Đánh giá cao vai trò của hệ thống cảng thủy nội địa ở thành phố Hồ Chí Minh, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển logistics đường thủy nội địa và vận tải ven biển ngày 14-10 mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Tân Cảng Cát Lái có cảng thủy nội địa nằm trong khu vực cảng biển, giúp hàng hóa được vận chuyển từ sâu trong nội địa, nhanh chóng chuyển qua cảng biển để lên tàu ra nước ngoài rất hiệu quả. Các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu cơ chế phù hợp để nhân rộng mô hình này, phát triển nhiều hệ thống cảng thủy nội địa khác trên cả nước, qua đó giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng hiệu quả hệ thống cảng nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.