Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng hiệu quả đấu giá quyền sử dụng đất

Điền Quân| 13/06/2022 07:30

(HNM) - Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất từng được thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng giúp thành phố có nguồn lực tài chính đầu tư phát triển, nhưng hiện kết quả chưa như mong muốn. Thành phố đang rà soát lại những “lỗ hổng” pháp lý, kiến nghị sửa đổi  tăng hiệu quả của đấu giá đất.

Nhiều lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được thành phố Hồ Chí Minh đấu giá trong thời gian tới, nhằm tạo nguồn thu tái đầu tư cho phát triển.

Chưa như kỳ vọng

Tính đến ngày 9-6, cả 2 doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp các loại tiền theo quy định vào ngân sách thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, vào tháng 12-2021, Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega đã trúng đấu giá 8.000 tỷ đồng để có quyền sử dụng 2 lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) và lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2) tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cao hơn khoảng 5 lần so với giá khởi điểm.

Trước tình hình đó, Chi cục Thuế thành phố Thủ Đức đã phải ra lệnh cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của 2 doanh nghiệp nêu trên, thu tiền về ngân sách, nhưng các tài khoản trống rỗng. Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh Thái Minh Giao cho biết, sau ngày 18-6, nếu tài khoản 2 doanh nghiệp này vẫn không có tiền hoặc không đủ tiền nộp, cơ quan thuế sẽ thông báo ngừng sử dụng hóa đơn; kê biên tài sản 2 công ty này, bán đấu giá tài sản kê biên. Đến ngày 6-7-2022, nếu 2 doanh nghiệp vẫn không nộp đủ tiền, cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh sẽ hủy kết quả đấu thầu.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kể cả khi kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm bị hủy bỏ, giá đất khu vực này cũng đã bị đẩy lên mức cao hơn, gây bất lợi cho các dự án đã được chấp thuận, chưa nộp tiền sử dụng đất hoặc sẽ thực hiện thu hồi đất để giải phóng mặt bằng. Thậm chí, vụ việc này gây tâm lý e ngại cho cán bộ chịu trách nhiệm thẩm định giá đất các dự án trước đó, do lo lắng làm thất thoát ngân sách nhà nước; đồng thời gây khó khăn cho địa phương khi tổ chức những phiên đấu giá đất tiếp theo.

Trên thực tế, thành phố Hồ Chí Minh rất kỳ vọng vào việc đấu giá đất sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Mới đây nhất, trong kế hoạch huy động vốn thực hiện dự án đường Vành đai 3, cơ quan chức năng thành phố đã rà soát, xác định 500ha đất dự kiến sẽ đấu giá quyền sử dụng đất, thu về khoảng 27.000 tỷ đồng. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhận định: “Việc khai thác các quỹ đất dọc tuyến sau khi đường Vành đai 3 được đưa vào vận hành tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, phục vụ tái đầu tư, phát triển”.

Trám lỗ hổng cơ chế

Giám đốc Công ty Thẩm định giá Hoàng Gia (quận 1) Phạm Thị Bình nhận định, với quy định hiện hành, doanh nghiệp vừa thành lập một thời gian ngắn, số vốn hạn chế, nhưng vẫn có thể tham gia đấu giá lô đất trị giá hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài việc phải nộp tiền đặt cọc, doanh nghiệp tham gia đấu giá đất phải chứng minh năng lực tài chính, năng lực triển khai dự án sau khi trúng đấu giá đất.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, Luật Đấu giá năm 2016 quy định chưa rõ về năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh) đã ban hành Quy chế đấu giá, yêu cầu doanh nghiệp tham gia đấu giá phải có cam kết năng lực tài chính bằng văn bản, nhưng việc này còn nặng tính hình thức. Mặt khác, cũng cần xem xét cách tính giá khởi điểm đã sát với giá thực tế hay chưa?

Ngoài ra, việc thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá là khá dài (180 ngày), có thể bị các doanh nghiệp tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như “thổi giá” bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng… Cuối tháng 5-2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước; đầu tháng 6-2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có văn bản nhận định các vấn đề cần chú ý và hoàn thiện cơ chế để việc đấu giá đất được thực hiện tốt hơn, nhất là khi đấu giá những khu đất “vàng”, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Cuối tháng 5-2022 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản giao Sở Tư pháp rà soát, tham mưu việc sửa đổi, bổ sung quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính tham mưu việc xác định giá khởi điểm quyền sử dụng đất sát với thị trường. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh thông tin, cơ quan này đã tổ chức tọa đàm, thu thập ý kiến các chuyên gia gửi cơ quan chức năng nhằm khắc phục những bất cập bộc lộ qua phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng hiệu quả đấu giá quyền sử dụng đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.