(HNMO) - Chiều 25-7, Trung tâm Kiểm soát thành phố Hồ Chí Minh thông tin cập nhật tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn. Theo đó, số ca mắc mới vẫn ở mức cao. Thành phố đã có 13 ca tử vong do SXH (tăng 1 ca so với tuần trước).
Cụ thể, tính đến hết tuần 29 của năm 2022 (từ ngày 15 đến 21-7), thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 32.011 trường hợp mắc SXH, tăng 293,8% so với cùng kỳ năm 2021 là 8.128 ca, với số ca SXH nặng là 502 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc SXH đến tuần 29 là 1,6% (502/32.011) tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,5% (38/8.128).
Riêng trong tuần 29, thành phố ghi nhận 3.108 ca bệnh SXH, giảm 3 ca (0,1%) so với trung bình 4 tuần trước, số ca khám ngoại trú tăng 7,9%, tuy nhiên, số ca nhập viện điều trị nội trú giảm 6,9%. Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH tại quận 6. Như vậy, số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 13 trường hợp.
Tuần qua, có 12/22 đơn vị cấp huyện tại thành phố Hồ Chí Minh có số ca SXH tăng ở mức cao, gồm các quận 1, 2, 4, 5, 6, 7, 10, Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, thành phố Thủ Đức và huyện Cần Giờ. Tuy nhiên, mức tăng không ở ngưỡng vượt báo động so với trung bình 4 tuần trước đó.
Trong tuần 29, toàn thành phố ghi nhận 209 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 101 phường, xã thuộc 19/22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức; giảm 41 ổ dịch mới so với tuần 28 (250 ổ dịch).
Cùng với việc tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân dọn vệ sinh môi trường, triệt tiêu nơi chứa nước tù đọng để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi vằn truyền bệnh SXH, các cấp, các ngành của thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch.
Đơn cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) đã tặng 400 hộ gia đình trên địa bàn, mỗi hộ 5 - 10 con cá bảy màu thả vào chỗ chứa nước, khu vực nước đọng xung quanh nhà như ao tù, cống rãnh, phuy, thùng, lu... nhằm tiêu diệt lăng quăng, hạn chế tối đa việc phát sinh muỗi vằn, góp phần phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn.
Còn tại quận Gò Vấp, UBND phường 9 vừa xử phạt một số hộ gia đình trên địa bàn chưa thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống, vẫn để muỗi vằn có môi trường sinh trưởng, tiềm ẩn khả năng lây bệnh SXH. Đây là những trường hợp đã được nhắc nhở, khuyến cáo trước đó, đã ký cam kết, nhưng chưa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Dịch SXH cũng đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Tính đến ngày 25-7, Đồng Nai đã có hơn 13.000 ca nhiễm (tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2021) và 11 ca tử vong do SXH. Tỉnh Bình Dương đã ghi nhận gần 8.600 ca mắc SXH và 12 ca tử vong (tăng 7 ca so với cả năm 2021). Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số ca mắc SXH đã là gần 6.100 ca, tăng gần 8 lần so với năm trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.