Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Trọng Ngôn| 12/08/2022 07:02

(HNM) - Trong 7 tháng năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Hồ Chí Minh đạt thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Nhằm quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thành phố đã thành lập 3 tổ công tác để rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 95% trong năm nay.

Thi công tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (thành phố Hồ Chí Minh).

Giải ngân chậm do nhiều nguyên nhân

Năm 2022, HĐND thành phố Hồ Chí Minh giao kế hoạch vốn đầu tư công gần 32.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 7-2022, thành phố mới giải ngân được khoảng 26% dự toán. Riêng các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), 7 tháng năm 2022 mới chỉ giải ngân đạt 8%.

Theo kết quả giám sát của HĐND thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 7-2022, trên địa bàn thành phố có khoảng 100 dự án chưa giải ngân được đồng nào, 12 dự án chỉ giải ngân dưới 10%. Các dự án tỷ lệ giải ngân 0% như: Dự án phát triển giao thông xanh thành phố Hồ Chí Minh; dự án cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Đôi - Tẻ (giai đoạn 2); dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương)…

Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) là một trong những dự án giải ngân chậm. Dự án được thành phố bố trí vốn đầu tư công năm 2022 là 150 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân 12 tỷ đồng (đạt 8%).

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc cho biết, vừa qua, dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ có phát sinh trong xây dựng dự toán phải đợi hướng dẫn từ các sở, ngành liên quan nên kéo dài thời gian giải ngân. “Vướng mắc trên hiện đã được giải quyết, phấn đấu từ nay đến cuối năm giải ngân thêm 120 tỷ đồng cho dự án này”, ông Lương Minh Phúc cho hay.

Cũng theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh, ngoài dự án trên, đơn vị này cũng được UBND thành phố giao 6.000 tỷ đồng trong năm 2022 cho các dự án khác, nhưng hiện chỉ mới giải ngân được 1.500 tỷ đồng.

Lý giải một phần nguyên nhân của chậm giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp khoảng trên 90 vướng mắc, khó khăn khi thực hiện Luật Đầu tư công cũng như độ “vênh” giữa Luật Đầu tư công với các luật khác…

Nỗ lực đạt mục tiêu

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, thông thường các tháng đầu năm tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chậm do ảnh hưởng bởi các thủ tục hành chính. Bù lại, những tháng cuối năm tốc độ giải ngân sẽ nhanh hơn do các thủ tục cơ bản được hoàn tất.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác về giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án; tổ công tác rà soát các dự án được giao vốn lớn nhưng giải ngân chậm; tổ công tác rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai khẳng định, thành phố sẽ rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ, chủ động điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 để tập trung bố trí cho các dự án có khả năng giải ngân cao. Thành phố cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch triển khai dự án đủ điều kiện bố trí vốn, có tiến độ rõ ràng và bám sát tiến độ thực hiện... Cùng với đó, 3 tổ công tác tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ với từng lĩnh vực, từng dự án, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 từ 95% trở lên.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây, UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến dự án đầu tư công trọng điểm của thành phố như dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng quan tâm, xem xét chấp thuận bổ sung phần vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đầu tư công dẫn dắt đầu tư xã hội, nếu chậm giải ngân sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố. UBND thành phố đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao tinh thần trách nhiệm; quyết liệt dám nghĩ, dám làm..., phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân đạt 95% trong năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.