Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp nhịp nhàng trong công tác triển khai Sữa học đường

Hiền Trang| 25/11/2019 14:44

Mặc dù thành phố Hồ Chí Minh có hơn 300.000 trẻ em thuộc đối tượng uống sữa trong chương trình Sữa học đường, nhưng sự phối hợp giữa Vinamilk, các sở, ngành và phòng giáo dục các quận, huyện cho đến từng giáo viên đã nhanh chóng đi vào đồng bộ.

“Sữa học đường” - một chương trình không còn quá mới mẻ - đang góp phần không nhỏ giúp cải thiện dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua hoạt động uống sữa tại trường. Hiện nay, cả nước có 17 tỉnh, thành phố triển khai chương trình Sữa học đường như Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Ninh Thuận... Tuy nhiên, với mỗi địa phương lại cần có cách triển khai, thực hiện khác nhau cho phù hợp với thực tế.

“Tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì công tác tổ chức ban đầu là rất quan trọng, quyết định sự thành công của cả đề án. Đây là khối lượng công việc rất lớn cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên ngay từ những bước đầu tiên, để mang đến một chương trình Sữa học đường an toàn, hiệu quả”, đại diện công ty Vinamilk, đơn vị đang triển khai đề án Sữa học đường tại 15/17 tỉnh, thành phố trên cả nước cho biết.

Trong ngày đầu uống sữa, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và Vinamilk đã trực tiếp đến khảo sát, hướng dẫn các điểm trường và ghi nhận phản hồi của thầy cô, học sinh, từ đó kịp thời đưa ra các điều chỉnh phù hợp.

Lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh cùng các sở, ngành, đặc biệt là Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo liên tục đưa ra các chỉ đạo sát sao để những khâu đầu tiên được triển khai tốt nhất có thể, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo của đề án.

Đoàn công tác Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp đến các điểm trường để kiểm tra công tác triển khai trong ngày đầu tiên uống sữa.

Đây là những nỗ lực rất đáng ghi nhận của thành phố, nhà trường và đơn vị cung cấp sữa. Vì chỉ trong thời gian ngắn, các bên phải hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị như tập huấn về triển khai chương trình an toàn hiệu quả, công tác sản xuất, vận chuyển và điều phối sữa, thanh tra kiểm soát chất lượng sản phẩm...

Đoàn công tác gồm Sở Y tế, Sở Tư pháp và Ban An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi kiểm tra quy trình sản xuất sữa học đường cung cấp cho các trường học trên địa bàn thành phố tại Nhà máy Sữa Việt Nam.

Sản phẩm sữa học đường cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh được sản xuất tại Nhà máy Sữa Việt Nam (Nhà máy Mega) của Vinamilk tại Bình Dương, một trong những siêu nhà máy áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới.

Ông Nguyễn Quang Thái, Giám đốc Phát triển hoạt động cộng đồng Vinamilk cho biết: “Vinamilk đã có kinh nghiệm trong việc triển khai tại 15/17 tỉnh, thành phố trên cả nước đang thực hiện chương trình Sữa học đường. Vì vậy, công ty có đầy đủ nguồn lực về cả sản phẩm, đội ngũ chuyên môn, phân phối và tư vấn để cùng với địa phương triển khai nhanh chóng ngay từ các bước đầu tiên. Vinamilk cũng xác định rằng, giáo viên ở các trường học chính là một nhân tố quan trọng trong việc triển khai chương trình Sữa học đường. Vì vậy, công ty cũng có các tổng đài riêng để tư vấn, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ 24/7 cũng như nhân sự trực tiếp sát cánh cùng các thầy cô trong quá trình thực hiện”.

Bước đầu tiếp cận với chương trình Sữa học đường và trực tiếp thực hiện các quy trình như đặt hàng, kiểm nhận hàng hóa, phân bổ sữa đến lớp, hướng dẫn các con uống sữa… cũng khiến nhiều giáo viên bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, ghi nhận chung là sau khi tham dự các lớp tập huấn và được tư vấn, hỗ trợ từ Vinamilk thì hầu hết tại các điểm trường việc thực hiện chương trình đang diễn ra khá đồng bộ và chặt chẽ.

Các em học sinh hào hứng uống sữa và gấp vỏ hộp sữa sau khi uống hết theo sự hướng dẫn của cô giáo.

Cô Lương Thị Thanh Lý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Tân Phú) cho biết: “Giáo viên tại trường chúng tôi mất khoảng 1 tuần làm quen với các công việc của chương trình. Đến nay, các công tác tổ chức đã nhuần nhuyễn hơn và các con đã quen với việc uống sữa tại lớp cũng như cách xử lý vỏ hộp sữa sau khi uống để thuận tiện thu gom, tái chế, bảo vệ môi trường. Nếu có các vấn đề phát sinh, chúng tôi có thể liên hệ trực tiếp với đường dây nóng, tư vấn riêng cho chương trình Sữa học đường của Vinamilk để được hỗ trợ ngay”.

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Sữa học đường thực sự là một chương trình có ý nghĩa nhân văn và mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ em cũng như giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình và ngân sách thành phố. Chúng tôi mong sẽ nhận được sự tin tưởng và ủng hộ từ quý phụ huynh, các thầy cô và các tổ chức xã hội trong việc thực hiện đề án Sữa học đường để góp phần đem lại cho con em chúng ta những điều kiện phát triển tốt nhất về mặt thể chất và trí tuệ".

Dù chương trình Sữa học đường mới thực hiện thí điểm tại 10 quận, huyện nhưng với địa bàn lớn, số trẻ đông như thành phố Hồ Chí Minh thì việc triển khai, phối hợp nhịp nhàng chỉ trong 2 tuần là một sự nỗ lực đáng ghi nhận của tất cả các bên.

Việc này cũng góp phần gia tăng sự đồng thuận, ủng hộ của giáo viên và phụ huynh học sinh, tạo cơ sở để thành phố Hồ Chí Minh mở rộng phạm vi của chương trình Sữa học đường cho các giai đoạn tiếp theo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp nhịp nhàng trong công tác triển khai Sữa học đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.