Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh: Những tâm tư của doanh nghiệp kinh doanh xe khách

Minh Tuấn 03/11/2023 15:30

Từ nay đến cuối năm 2023, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thanh, kiểm tra toàn diện 2 đến 3 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, nhằm chấn chỉnh hoạt động xe khách trên địa bàn

hs.jpg
Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ trao đổi với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô

Còn tồn tại nhiều lỗ hổng

Ngày 3-11, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi gặp gỡ đại diện các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn, trong bối cảnh một số doanh nghiệp xe khách bị dư luận lên án do kinh doanh "lách luật", cạnh tranh không lành mạnh. Cùng với đó, cơ quan chức năng đã và sẽ tổ chức nhiều đợt kiểm tra, chấn chỉnh những vi phạm trong lĩnh vực vận chuyển hành khách, bao gồm cả xe tuyến cố định, xe hợp đồng và xe du lịch.

Đại diện Công ty TNHH vận tải Kumho Samco Buslines chia sẻ, hiện nay, sản lượng, doanh thu của doanh nghiệp giảm 50%. Nguyên nhân do Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) dời ra bến xe mới (thành phố Thủ Đức).

Từ khi chuyển sang bến xe mới, hành khách ngại đi xa nên không vào bến, chủ yếu đón xe ngoài đường. Hiện có khoảng 80% số lượng xe ô tô chạy “dù” bên ngoài bến để đón khách, chỉ có 20% số lượng xe vào bến mới hoạt động.

dsc09109(1).jpeg
Các nhà xe than giảm mạnh số lượng hành khách khi chuyển ra Bến xe Miền Đông mới hoạt động

Theo doanh nghiệp này, những nhà xe hoạt động sai quy định này ngày càng nhiều do không phải vào bến nên không chịu sự kiểm tra, giám sát, không phải đóng chi phí bến bãi. Một số nhà xe rao bán tràn lan trên mạng loại hình vé phòng đôi - sai quy định trong hoạt động vận tải. Hệ quả là xe chở quá hành khách quy định, tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ mất an toàn cho hành khách...

Một số doanh nghiệp vận tải cũng nêu ý kiến về khung giờ cấm xe khách giường nằm vào nội đô thành phố hiện nay từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm cũng cần xem lại.

“Việc cấm trên kéo theo tình trạng nhiều nhà xe cố chạy thật nhanh về thành phố để vào nội đô trước 6 giờ sáng. Điều này rất nguy hiểm, vì xe sẽ chạy quá tốc độ, chưa kể chạy vào khung giờ này, tài xế rất dễ buồn ngủ, nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn”, đại diện một doanh nghiệp vận tải nêu thực trạng đáng lo ngại.

Doanh nghiệp vận tải phải ký cam kết

Để chấn chỉnh các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách và giao thông đường bộ, đại diện Công ty TNHH vận tải Kumho Samco Buslines cho rằng, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra với các vi phạm nghiêm trọng được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra sẽ tạo tính răn đe cao hơn.

img_1664.jpeg
Một xe kinh doanh vận tải hành khách vi phạm bị lực lượng chức năng kiểm tra

Phát biểu tại buổi trao đổi, Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, thành phố hiện có gần 5.400 doanh nghiệp vận tải đang hoạt động, cấp phù hiệu cho khoảng 260.000 xe ô tô, chiếm 1/4 số lượng xe được cấp phù hiệu của cả nước.

Trong số các vi phạm được ghi nhận, nổi lên là tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng “trá hình” tồn tại nhiều năm nay và hoạt động phức tạp. Do đó, việc kiểm tra, xử lý đối với những hành vi vi phạm này sẽ luôn được các cơ quan chức năng phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.

Bản thân doanh nghiệp vận tải hơn ai hết phải nêu cao ý thức và chấp hành đầy đủ các quy định kinh doanh vận tải, luật giao thông đường bộ... để bảo đảm an toàn tính mạng cho hành khách, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

xe-co-1-.jpg
Bến xe Miền Đông cũ giảm hẳn số lượng xe hoạt động từ khi chuyển qua bến mới

Đặc biệt, sắp tới, Sở GTVT thành phố sẽ tổ chức gặp gỡ định kỳ với các doanh nghiệp vận tải; tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp vận tải. Nếu ký cam kết rồi mà các doanh nghiệp vẫn vi phạm, các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra như với trường hợp của nhà xe Thành Bưởi. Trong quá trình thanh, kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm ngoài thẩm quyền xử lý của Sở, Sở sẽ chuyển các cơ quan liên quan, cơ quan công an để làm rõ và xử lý theo quy định.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023, Sở GTVT thành phố sẽ tổ chức thanh, kiểm tra toàn diện từ 2 đến 3 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Những tâm tư của doanh nghiệp kinh doanh xe khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.