Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng chất hệ thống trạm y tế

Thu Hoài| 08/06/2022 07:07

(HNM) - Các cấp, ngành của thành phố Hồ Chí Minh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng của hệ thống trạm y tế để tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay từ cơ sở. Nhiều giải pháp tăng cường nhân lực, vật lực, thiết bị, công nghệ… được đẩy mạnh triển khai và bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực.

Bác sĩ tại Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) kết nối từ xa với bác sĩ chuyên khoa tim mạch của Bệnh viện Trưng Vương để thống nhất phương án điều trị cho người bệnh.

Những chuyển biến đáng khích lệ

Cuối tháng 5 vừa qua, Trạm y tế phường Phước Bình, thành phố Thủ Đức là cơ sở y tế mới nhất của thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Trạm được đầu tư kinh phí, nâng cấp các phòng chức năng sạch sẽ, khang trang. Bên cạnh 2 bác sĩ cơ hữu, trạm còn được tăng cường 1 bác sĩ từ Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức hỗ trợ hằng tuần về siêu âm và 1 bác sĩ trẻ được tăng cường về cơ sở. Bà Hoàng Trúc Quỳnh, 72 tuổi, ở đường số 11 phường Phước Bình cho biết: “Tôi được các bác sĩ chuyên khoa tại Trạm y tế phường Phước Bình khám kỹ, tư vấn đầy đủ; được kết nối với bác sĩ tuyến trên tư vấn từ xa qua camera. Được khám bệnh gần nhà, tôi hài lòng với chất lượng dịch vụ tại trạm y tế”.

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh chức năng sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám, tư vấn, sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị bệnh, trạm y tế còn là nơi chăm sóc sức khỏe người dân mắc các bệnh mạn tính. Ngoài ra, nhân viên y tế của trạm còn thực hiện các hoạt động y tế dự phòng như tiêm chủng, truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, công tác dân số, phòng, chống dịch bệnh,… và nhiều hoạt động khác. Vì vậy, việc nâng cao năng lực của trạm y tế là rất cần thiết.

Tính đến ngày 5-6, thành phố Hồ Chí Minh đã có 38 trạm y tế cơ sở hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và phát huy hiệu quả. Đơn cử như Trạm y tế phường 8, quận Gò Vấp đang chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 33.000 người dân. Trạm có 4 bác sĩ cơ hữu và 7 nhân sự chuyên môn khác, được đầu tư trang bị máy X-quang kỹ thuật số, siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm cơ bản... Sở Y tế giao Bệnh viện quận Gò Vấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi Đồng 2 hỗ trợ chuyên môn từ xa thông qua công nghệ Telemedicine, tiện lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng cho biết, ngành Y tế xác định nâng cao năng lực trạm y tế không đi theo hướng chuyển đổi thành một phòng khám chuyên khoa hay một bệnh viện thu nhỏ mà trở thành cánh tay nối dài của trung tâm y tế quận, huyện, thực hiện các nhiệm vụ tại cơ sở.

Tiếp tục tăng cường nhân lực, thiết bị, công nghệ

Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã đưa hơn 300 bác sĩ mới ra trường về thực tập, làm việc tại cơ sở, kết hợp thí điểm đào tạo bác sĩ mới tốt nghiệp thực hành tổng quát tại các bệnh viện gắn liền với trạm y tế. Đây là đề án “đột phá” nhằm giúp bác sĩ trẻ có điều kiện củng cố năng lực chuyên môn. Ngoài ra, thành phố còn cho phép trạm y tế được ký hợp đồng lao động với bác sĩ về hưu đến làm việc tại trạm.

Để các bác sĩ trẻ yên tâm công tác tại cơ sở, thành phố hỗ trợ 60 triệu đồng/18 tháng/bác sĩ; 30 triệu đồng cho điều dưỡng, hộ sinh trong 9 tháng. Người có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng. Bác sĩ Phạm Đăng Toàn vừa tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch khóa 2015-2021, được điều động về Trạm y tế phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) chia sẻ: “Trực tiếp làm công tác chuyên môn tại cơ sở, tôi học và trải nghiệm được nhiều điều, từ đó trau dồi kỹ năng nghề nghiệp ngày một tốt hơn”.

Về tăng cường năng lực thiết bị, công nghệ, ngoài việc đầu tư một số thiết bị cơ bản, cuối tháng 5-2022 Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh còn “đặt hàng” Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đọc kết quả X-quang ngực, sử dụng tại các trạm y tế.

Theo Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng, thành phố hiện có 310 trạm y tế, nên có trạm chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho 100.000 người dân. Nếu không có những thay đổi, bổ sung thì 1.700 nhân viên y tế cơ sở khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Chúng tôi đã kiến nghị sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, chuyển từ phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính sang phân bổ theo số dân cư trên địa bàn (từ 10.000 đến 20.000 người dân cần có một trạm y tế). Ngành Y tế thành phố kỳ vọng sớm xây dựng được hệ thống y tế cơ sở vững mạnh, chất lượng”, ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng chất hệ thống trạm y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.