(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất công dọc các tuyến đường sắt đô thị (metro), cao tốc, vành đai, quốc lộ... Từ những trục giao thông "xương sống" này, thành phố sẽ hoàn thiện, chỉnh trang và phát triển đô thị, tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố, đồng thời nâng cao chất lượng sống người dân.
Quỹ đất còn khá lớn
Ghi nhận dọc hai bên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), nhiều khu đất trong diện quy hoạch của thành phố Hồ Chí Minh rộng từ hàng nghìn mét vuông đến hàng trăm héc ta. Đơn cử như Nhà máy Xi măng Hà Tiên cũ, Cảng Trường Thọ cũ; khu vực ga Thảo Điền, An Phú... (đều nằm tại thành phố Thủ Đức) được xem là những khu đất “vàng” để thành phố quy hoạch, chỉnh trang, xây dựng đô thị. Tương tự, quỹ đất dọc theo tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương); nút giao thông đường Mai Chí Thọ - cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; ven sông Sài Gòn…, cũng được thành phố chấp thuận danh mục, ghi vốn và đưa ra đồ án quy hoạch.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trên địa bàn thành phố hiện có 34 khu vực được đề xuất lập đồ án thiết kế đô thị riêng, tỷ lệ 1/500. Trong đó, 9 đồ án đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn và đang thực hiện; 10 đồ án đã được chấp thuận danh mục nhưng chưa được ghi vốn để triển khai thực hiện; 15 đồ án mới được UBND thành phố chấp thuận chủ trương.
Trưởng phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm (Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh) Lương Thu Anh cho hay, thành phố sẽ quy hoạch các khu đất trong bán kính 500-800m xung quanh các nhà ga dọc tuyến metro số 1, số 2, các tuyến cao tốc, vành đai, dọc sông Sài Gòn... để đấu giá công khai, tạo nguồn thu bổ sung ngân sách thành phố và tái đầu tư cho các dự án khác.
Về phía người dân, ông Nguyễn Hiếu An (phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức) bày tỏ, khi di dời hoàn toàn các nhà máy, cụm cảng cũ, thành phố sẽ có thêm những khu đất rộng. Nếu được quy hoạch tốt, sử dụng hiệu quả sẽ nâng tầm thành phố Thủ Đức nói riêng và thành phố Hồ Chí Minh nói chung thành đô thị với hạ tầng đồng bộ, chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng lên.
Khai thác hiệu quả, tránh lãng phí
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị, cho rằng, khai thác quỹ đất dọc các trục giao thông đã được các nước trên thế giới thực hiện vì tính hiệu quả cao khi vừa giúp chỉnh trang đô thị, vừa đem lại nguồn thu cho ngân sách...
Thông tin về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Trương Trung Kiên cho biết, Sở vừa có Báo cáo số 2681/SQHKT-VP gửi UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong đó, đối với các khu vực dọc tuyến metro số 1 có 11 đồ án quy hoạch riêng. Đối với các khu vực xung quanh các nhà ga dọc tuyến metro số 2 có 4 đồ án thiết kế đô thị riêng đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn thực hiện; 1 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh nhà ga Phạm Văn Hai đang triển khai thực hiện; 3 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực các ga: Lê Thị Riêng, Dân Chủ, Hòa Hưng đang đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn...
Ngoài ra, các khu vực liên quan đến tuyến metro khác như: 3a, 3b, số 5 (giai đoạn 1) có 6 đồ án cũng đã được UBND thành phố chấp thuận danh mục. Các khu vực dự án khác gồm có 7 đồ án, trong đó có 5 đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực nút giao thông dọc đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây - quốc lộ 1 đã được chấp thuận danh mục, ghi vốn triển khai thực hiện; 1 đồ án khu vực trung tâm thành phố đã được chấp thuận danh mục, chưa ghi vốn thực hiện và 1 đồ án khu vực bờ sông Sài Gòn (Bến Nhà Rồng - Ba Son) đã được chấp thuận chủ trương.
Cũng theo ông Trương Trung Kiên, Sở Quy hoạch và Kiến trúc kiến nghị công tác lập đồ án thiết kế đô thị riêng khu vực xung quanh các nhà ga tuyến metro sẽ được xem xét sau khi hoàn tất điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; đề xuất giao UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức có dự án đi qua rà soát, nghiên cứu đưa nội dung nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất xung quanh tuyến metro vào thiết kế đô thị. Sở cũng kiến nghị UBND thành phố bổ sung các nội dung liên quan đến quy mô quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh các nhà ga các tuyến metro, khu vực trung tâm, dọc sông Sài Gòn vào quy chế quản lý kiến trúc đô thị.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho hay, thành phố đã xây dựng và thông qua đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả" để tạo thêm quỹ đất thu hút đầu tư, mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.