Hà Nội kết nối

Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030

Thu Hoài 15/12/2023 - 17:51

Ngày 15-12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) thông tin tổng hợp tình hình mới nhất về quản lý, điều trị bệnh nhân nhiễm HIV.

a454.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường truyền thông phòng chống HIV/AIDS.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương được Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế ưu tiên đẩy mạnh hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hướng tới hoàn thành mục tiêu 95 - 95 - 95 (nghĩa là 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng của họ; 95% những người được chẩn đoán dùng thuốc điều trị HIV và 95% những người được điều trị ức chế vi rút) vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Hiện ngành Y tế thành phố đang triển khai Dự án Phát triển hệ thống y tế bền vững (LHSS) trong quản lý cung ứng thuốc ARV và hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế tại địa bàn. Tính đến tháng 9-2023, thành phố đã đạt được 93% đối với mục tiêu thứ nhất; 92,4% đối với mục tiêu thứ hai và 98,4% đối với mục tiêu thứ ba.

a455a.jpg
Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nơi hỗ trợ miễn phí tư vấn, điều trị HIV/AIDS và phát miễn phí thuốc ARV.

Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ nguồn thuốc ARV miễn phí ngày càng giảm, thành phố đã hỗ trợ chi phí mua thẻ bảo hiểm Y tế (BHYT) và hỗ trợ đồng chi trả cho người nhiễm HIV từ năm 2019 đến nay với 31 cơ sở y tế điều trị ARV qua BHYT đang hoạt động. Mới đây nhất, thành phố đưa cơ sở thứ 32 vào hoạt động từ ngày 7-12-2023.

Hiện thành phố có trên 45.000 người nhiễm đang được chăm sóc và điều trị HIV/AIDS thanh toán qua BHYT, chiếm 95% bệnh nhân đang được quản lý. 5% bệnh nhân còn lại đang được hỗ trợ một phần thuốc ARV miễn phí, đặt ra những thách thức cho thành phố trong việc tìm giải pháp giúp đảm bảo điều trị liên tục, ổn định, và dần tiến tới tiếp cận điều trị thuốc ARV thanh toán qua BHYT.

a456.jpg
Một trong những chính sách của Chính phủ hỗ trợ đối tượng nhiễm HIV/AIDS.

HCDC sẽ tham mưu Sở Y tế đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh lên phương án dự trữ nguồn thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV không có BHYT trong trường hợp không có nguồn thuốc miễn phí của Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế. Công an thành phố sẽ rà soát, tháo gỡ các vấn đề liên quan đến căn cước công dân trong cấp thẻ BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS, tạo điều kiện để người bệnh tiếp cận điều trị ARV qua BHYT.

Hiện thành phố Hồ Chí Minh có 37 phòng khám công lập và tư nhân hoạt động trên địa bàn với gần 14.000 khách hàng sử dụng PrEP (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV). Chương trình này được thí điểm triển khai với sự tài trợ của PEPFAR thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC).

HCDC cho biết kết quả thí điểm cho thấy tính an toàn, hiệu quả, sự tiếp nhận và khả thi của việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV trên các nhóm quan hệ đồng tính nam (MSM), chuyển giới và bạn tình dị nhiễm. Số lượng cơ sở dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm tại thành phố đã tăng qua các năm (từ 24 phòng khám năm 2019 tăng lên đến 37 phòng khám năm 2023).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.