Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Hấp dẫn các chương trình liên kết đào tạo

Thanh Tàu| 06/06/2022 07:23

(HNM) - Hai năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều học sinh của thành phố Hồ Chí Minh lỡ dở kế hoạch du học. Vì thế, nhiều người đã chuyển sang hình thức “du học tại chỗ”. Các chương trình liên kết quốc tế giữa trường đại học trong nước với nước ngoài đã và đang hấp dẫn nhiều sinh viên. Tuy nhiên, khi lựa chọn hình thức học tập này, thí sinh cần nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa đảo.

Các sinh viên Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đang theo học chương trình liên kết đào tạo nước ngoài.

Đa dạng chương trình liên kết

Nhiều trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình liên kết đào tạo quốc tế được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận như: Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Đại học Ngân hàng, Đại học Công nghiệp, Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Văn Lang, Đại học Công nghiệp thực phẩm, Đại học Nguyễn Tất Thành… Các đối tác nước ngoài trong những chương trình liên kết này là những đối tác có danh tiếng tại nước có nền giáo dục tiên tiến như: Anh, Mỹ, Canada, Pháp, New Zealand...

Đơn cử, Trường Đại học Tài chính - Marketing thành phố Hồ Chí Minh liên kết với Trường Đại học Thompson Rivers (Canada) với chuyên ngành Marketing và Kinh doanh quốc tế. Tính đến nay, trường đã có hơn 1.000 sinh viên đã và đang theo học ở các chương trình liên kết quốc tế của trường. Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh liên kết đào tạo quốc tế chương trình đại học chính quy ngành Quản trị kinh doanh với Đại học Bolton (Vương quốc Anh); ngành Tài chính - Ngân hàng và Bảo hiểm liên kết đào tạo với Đại học Toulon (Công hòa Pháp)…, với số lượng hơn 2.500 sinh viên, học viên đang theo học.

Sinh viên Trần Thanh Tùng (ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) đang theo học chương trình cử nhân tài chính liên kết đào tạo giữa Trường Đại học Ngân hàng với Đại học Bolton (Vương quốc Anh) chia sẻ: "Năm 2020, em dự định du học nước ngoài. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát, mọi kế hoạch phải gác lại. Khi được Trường Đại học Ngân hàng tư vấn, em đã lựa chọn hình thức du học tại chỗ nhưng được theo học các chương trình chuẩn quốc tế. Theo cách này, em vừa tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc, vừa có cơ hội có bằng cấp quốc tế, được nhiều nước công nhận".

Cẩn trọng khi lựa chọn

Thực tế thời gian qua cho thấy, vẫn có một số cơ sở giáo dục đại học chào mời học sinh tham gia chương trình liên kết đào tạo quốc tế theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, đem các chương trình nước ngoài chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm định về Việt Nam, thậm chí là lừa đảo tuyển sinh, thu tiền.

Đơn cử, Văn phòng Đào tạo quốc tế, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) từng tiếp nhận một trường hợp phụ huynh và sinh viên đến phản ánh về việc nghi ngờ giả danh nhà trường để lừa đảo. Theo đó, có đối tượng lừa đảo mạo danh Trường Đại học Bách khoa để gửi e-mail “Thư chúc mừng sinh viên đạt học bổng chương trình đào tạo kỹ sư Kỹ thuật điện công trình - chương trình liên kết quốc tế giữa Trường Đại học Bách khoa và Đại học Griffith, Úc” cho sinh viên và hối thúc sinh viên đóng khoản tiền gần 370 triệu đồng để hoàn tất thủ tục sang Úc nhập học. Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Sài Gòn cũng từng bị giả mạo nhà trường liên kết đào tạo nước ngoài để lừa đảo phụ huynh và thí sinh với số tiền lớn.

Nói về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh - Tiến sĩ Phan Hồng Hải cho biết, khi triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, các trường đại học trong nước phải lựa chọn đối tác nước ngoài có uy tín, có chứng nhận kiểm định hợp pháp. Ngoài ra, đối tác trong nước phải là đơn vị có đủ khả năng triển khai nội dung các chương trình liên kết này. Phụ huynh và các em học sinh cần lưu ý tìm hiểu xem chương trình liên kết đào tạo quốc tế đã có đề án tuyển sinh và được cấp phép đào tạo theo quy định hay chưa, để tránh bị chào mời tham gia các chương trình kém chất lượng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, hiện Việt Nam có 70 cơ sở giáo dục đại học có chương trình giáo dục quốc tế, 352 chương trình liên kết đào tạo; riêng các tỉnh phía Nam chiếm gần 200 chương trình. Các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đã được ghi nhận trong danh sách các bảng xếp hạng đại học uy tín nhất tại châu Á và trên thế giới. "Ngoài ra, Việt Nam còn có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, phụ huynh và thí sinh nên tìm hiểu kỹ về cơ sở đào tạo, thời gian học, mức học phí, các chi phí phát sinh khác trong suốt quá trình học trước khi quyết định đăng ký học", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung khuyến cáo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Hấp dẫn các chương trình liên kết đào tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.