Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ rào cản trong cải tạo chung cư cũ

An Tôn| 14/03/2022 07:38

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 480 chung cư cũ xuống cấp, cần được cải tạo, xây dựng mới. Tuy nhiên do vướng mắc nhiều vấn đề cả về thủ tục, pháp lý, nên từ năm 2008 đến nay mới có 10 chung cư được tháo dỡ, 2 chung cư được xây mới. Các cấp, ngành của thành phố đang nỗ lực tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.

Chung cư Vĩnh Hội (đường Nguyễn Hữu Hào, quận 4) là một trong hơn 470 chung cư cũ tại thành phố Hồ Chí Minh đang được lên kế hoạch di dời để cải tạo, xây mới.

Còn nhiều vướng mắc

Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975. Phần lớn chung cư trong số này đã xuống cấp và được thành phố lên kế hoạch cải tạo, xây mới từ năm 2008 để bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống trong những chung cư này và bảo đảm mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, tính đến đầu năm 2022, mới có 14 chung cư di dời được toàn bộ người dân. 10 chung cư trong số này đã được tháo dỡ toàn bộ, 2 chung cư đã được xây mới và đang triển khai xây dựng 3 chung cư.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên, song theo Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân, trở ngại lớn nhất là quá trình triển khai bồi thường với nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; bồi thường cho nhà nước phần diện tích sở hữu chung tại chung cư cũ (hành lang, lối đi, khuôn viên…) gặp khó khăn; không kêu gọi được nhà đầu tư hoặc không thể xây mới chung cư trên đất cũ có diện tích nhỏ và không thỏa thuận được với người dân về phương án tái định cư...

Những vướng mắc trên đang hiện hữu tại 6 chung cư cũ mà thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch xây mới trong năm 2022. Đơn cử, chung cư số 128 đường Hai Bà Trưng (quận 1) mặc dù có mức độ nguy hiểm cấp D, nhưng đến nay chưa thể tháo dỡ vì vướng phương án bồi thường với phần diện tích sử dụng chung. Tương tự, chung cư Nguyễn Kim (quận 10) cũng đang vướng phương án tái định cư với các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn đang ở trong căn hộ thuộc sở hữu nhà nước…

Ông Vương Nghĩa Dũng, người dân, ở chung cư Ngô Gia Tự (phường 12, quận 10) cho biết, chung cư đã xuống cấp, được đánh giá cấp độ C, nhiều hộ dân tại đây cũng muốn được cải tạo, xây mới hoặc di dời, nhưng còn nhiều trở ngại, vì phải chờ ít nhất 70% hộ dân đồng ý và phải có đồng thuận cao về tái định cư.

Đề xuất những đột phá

Theo Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Quân, Nghị định số 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không có quy định bồi thường, nộp tiền vào ngân sách nhà nước đối với các căn hộ đang cho thuê thuộc sở hữu nhà nước trong các chung cư cũ. Theo nghị định trên, chủ đầu tư khi cải tạo, xây mới chung cư, phải trả lại nhà nước số căn hộ, diện tích căn hộ nêu trên để bố trí cho người thuê tiếp tục thuê. Nhưng trên thực tế, có nhiều người đang thuê lại không có nhu cầu thuê nhà ở chung cư mới, nên khó giải quyết.

Vướng mắc nữa là Nghị định số 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư dù đã đưa ra yêu cầu bồi thường cho phần diện tích nhà, đất sở hữu chung như: Hành lang, cầu thang, lối đi chung, khuôn viên… trong chung cư cũ, nhưng không nêu rõ về thời điểm xác định giá bồi thường. Vướng mắc thứ 3 là có nhiều chung cư cũ không thể xây mới để bố trí tái định cư tại chỗ, vì nằm trên diện tích nhỏ (dưới 1.000m2), nhưng Nghị định số 69/2021/NĐ-CP không quy định cách giải quyết vấn đề này.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, trong tháng 3 này, UBND thành phố sẽ có cuộc làm việc với Bộ Xây dựng để đề xuất tháo gỡ những vướng mắc trên. Cụ thể, với phần diện tích căn hộ thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê, nếu người thuê không tiếp tục thuê khi chung cư mới được xây dựng, chủ đầu tư sẽ chi trả cho người thuê 60% giá trị nhà đất để họ đi thuê nơi ở mới; trả 40% giá trị nhà đất cho ngân sách nhà nước. Với phần diện tích sở hữu chung, UBND thành phố đề xuất tính giá thành vào thời điểm phê duyệt phương án bồi thường bổ sung cho dự án. Với chung cư cũ có diện tích nhỏ không thể xây mới hoặc không tìm được nhà đầu tư, sẽ giải tỏa trắng, bố trí tái định cư nơi khác bằng nguồn vốn đầu tư công; phần diện tích cũ được chuyển đổi mục đích, bổ sung công năng, bán đấu giá...

“Với nhiều nỗ lực, UBND thành phố Hồ Chí Minh tin tưởng và phấn đấu vào dịp lễ 30-4 năm nay, sẽ khởi công cải tạo 2 chung cư cũ cấp D là chung cư số 23, đường Lý Tự Trọng, quận 1 và chung cư số 350, đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình. Thành phố quyết tâm hoàn thành kế hoạch cải tạo, xây mới ít nhất 6 chung cư cũ trong năm 2022”, ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ rào cản trong cải tạo chung cư cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.