(HNM) - Năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bước sang năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh sẽ dồn lực thực hiện nhiều công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông và cải thiện môi trường, nhằm xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
Nhiều công trình được cấp vốn
Tại kỳ họp thứ tư, HĐND thành phố Hồ Chí Minh khóa X vừa diễn ra, thành phố đã thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2022 với tổng số vốn khoảng 45.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước của thành phố là 42.508 tỷ đồng; trung ương bố trí hơn 2.479 tỷ đồng.
Triển khai kế hoạch này, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thông tin, nguồn vốn ngân sách trung ương sẽ dùng để đầu tư dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) với số vốn 1.000 tỷ đồng; dự án xây dựng nút giao thông An Phú (nối cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) với 365 tỷ đồng...
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, dự án mở rộng quốc lộ 50 vừa được thành phố bố trí 120 tỷ đồng để triển khai năm 2022. Khi hoàn thành vào năm 2024 sẽ giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, giải quyết áp lực giao thông khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố Hồ Chí Minh.
Là người thường xuyên đi lại trên quốc lộ 50, chị Đào Thị Lụa (quê Tiền Giang), làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Quốc lộ 50 nếu được nâng cấp mở rộng, người dân miền Tây chúng tôi sẽ về quê thuận lợi hơn rất nhiều”.
Đối với dự án xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố (chủ đầu tư) Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho hay, thành phố Hồ Chí Minh đã bố trí 1.000 tỷ đồng để khởi công dự án trong năm 2022, nhằm thoát nước, chống ngập cho 7 quận, huyện. Đồng thời, hình thành tuyến giao thông thủy - bộ kết nối thành phố Hồ Chí Minh đi miền Tây và miền Đông Nam Bộ, góp phần cải thiện đời sống cho khoảng 2 triệu dân trong lưu vực rộng gần 15.000ha.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) Lương Minh Phúc, vào quý II-2022, thành phố Hồ Chí Minh sẽ khởi công xây dựng tuyến đường mới nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa (khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất) dài 4km, với tổng vốn 4.800 tỷ đồng. Dự án còn làm cầu vượt trước ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần giảm ùn tắc giao thông trước sân bay.
Chủ động tháo gỡ khó khăn
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, để xử lý triệt để khâu khó khăn nhất trong các dự án hạ tầng từ trước đến nay là giải phóng mặt bằng, các cấp, ngành của thành phố đã triển khai nhiều phần việc. Đơn cử với dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 50, UBND huyện Bình Chánh thực hiện hơn 80% khối lượng công việc đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất cho đơn vị thi công...
Đối với nút giao thông An Phú, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến đến năm 2024 sẽ hoàn thành công trình, góp phần giải tỏa ách tắc giao thông đường vào Cảng Cát Lái và cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Với dự án đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, các ngành chức năng đang phối hợp cùng UBND quận Tân Bình hoàn tất thủ tục giao nhận đất quốc phòng và giải phóng mặt bằng. UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng bàn giao trước gần 12ha đất quốc phòng với hình thức chuyển giao cho địa phương quản lý, thực hiện dự án. UBND thành phố cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình giải phóng mặt bằng thí điểm, rút gọn về mặt thủ tục đối với các dự án trọng điểm. Về vấn đề này, Kiến trúc sư, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: "Thành phố đã chủ động tháo gỡ khó khăn bằng một loạt quyết sách linh hoạt để đẩy nhanh tiến độ các dự án".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình nhấn mạnh: "Các cấp, các ngành chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm trong năm 2022, bảo đảm giải ngân trên 95% kế hoạch. Đối với các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm, cần ưu tiên bố trí bảo đảm đủ vốn để thực hiện".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.